Xuất khẩu lao động: Còn nhiều rào cản

16/08/2015 09:42

Hoạt động XKLĐ vẫn tồn tại nhiều “hạt sạn” đòi hỏi ngành LĐTB & XH phải có nhiều biện pháp để xử lý.

Chỉ tính riêng trong tháng 7 năm 2015 cả nước đã có 12.350 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), tăng 573 người so với tháng trước đó và trở thành tháng có lượng người đi xuất khẩu lao động nhiều nhất kể từ đầu năm. Tuy nhiên việc XKLĐ vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ.

Xuất khẩu lao động tăng trong 7 tháng đầu năm. (Ảnh HK)

XKLĐ tăng cao

Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB & XH), 6 tháng đầu năm lượng người đi XKLĐ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể cả nước đã đưa được  56.173 lao động  đi làm việc ở nước ngoài, đạt 59,13% kế hoạch năm 2015. Như vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 7-2015 cả nước đã đưa 68.523 lao động đi làm việc tại nước ngoài, hoàn thành trên 72% kế hoạch năm 2015 và bằng 106,5% so với cùng kỳ năm ngoái.  

Các thị trường tiềm năng thu hút nhiều lao động Việt Nam trong tháng 7 phải kể đến Đài Loan: 5.717 lao động,  Nhật Bản: 3.407 lao động, Hàn Quốc: 1.071 lao động, Malaysia: 1.045 lao động... Với kết quả này dự đoán kế hoạch đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài trong năm 2015 sẽ hoàn thành trước thời hạn và rất có thể sẽ tạo nên một kỷ lục mới. 

Theo đánh giá của các chuyên gia có được kết quả trên nhờ sự nỗ lực của ngành LĐTB & XH trong việc tiến hành ký kết hợp tác đưa lao động sang làm việc tại nhiều quốc gia. Ngay vào những tháng đầu năm 2015 đã có nhiều bản ký kết hợp tác trong lĩnh vực lao động. Mới đây nhất là ký kết với Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hòa Liên bang Đức thực hiện dự án thí điểm tuyển chọn ứng viên điều dưỡng Việt Nam để đưa sang học tập và làm việc tại Đức trong lĩnh vực chăm sóc người già từ năm 2012. 

Hiện đã có 100 ứng viên được đưa sang Đức học tập và sẽ tốt nghiệp để đi làm việc trong tháng 10 năm 2015, đồng thời có 125 ứng viên khác đã được tuyển chọn, đang học tiếng Đức để đưa sang học tập chuyên môn tại CHLB Đức vào cuối năm nay. Trước đó trong tháng 5 vừa qua Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và cơ quan đào tạo ARC ACADEMY tổ chức Lễ tiễn 151 ứng viên điều dưỡng, hộ lý khóa 2 đi làm việc tại Nhật Bản.

Chưa chuyên nghiệp  

Theo đánh giá chất lượng  XKLĐ ở nước ta ngày càng được đầu tư chú trọng, từ việc ký kết lựa chọn các đơn hàng phù hợp với từng đối tượng thì vấn đề chuyên môn tay nghề cũng được đầu tư bài bản. Tuy nhiên bên cạnh đó hoạt động XKLĐ vẫn tồn tại nhiều “hạt sạn” đòi hỏi  ngành LĐTB & XH phải có nhiều biện pháp để xử lý.

Liên quan tới vấn đề này trao đổi với báo chí ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước thừa nhận, mặc dù số người lao động đi làm việc ở nước ngoài có tín hiệu khả quan song công tác XKLĐ hiện vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Điển hình như qua công tác kiểm tra thực tế thời gian qua, có tình trạng DN tuyển chọn lao động quảng cáo vượt quá sự thật; tuyển lao động, đào tạo nhưng không tổ chức đưa đi mà chuyển nguồn lao động cho DN khác có hợp đồng tổ chức đưa đi...

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức phí người lao động phải đóng cao hơn so với mức giá chung. Đáng chú ý có tình  trạng giành giật đơn hàng của nhau với chi phí thấp nhằm tranh giành hợp đồng. “Sự cạnh tranh thiếu lành mạnh này khiến thị trường XKLĐ càng nhốn nháo, bất ổn định”, ông Nam nói.

Không chỉ ở phía doanh nghiệp, hoạt động XKLĐ cũng đang phải chịu nhiều bất ổn do chính NLĐ tạo ra. Trong đó phải kể đến thực trạng bỏ trốn bất hợp pháp tại Hàn Quốc, dù ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp song đến nay tình trạng này vẫn còn khá nan giải. 

 Hiện nay xuất khẩu lao động được xem là lựa chọn của nhiều địa phương trong cả nước như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc…để thoát nghèo bền vững. Đơn cử như tại tỉnh Đăk Nông ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở LĐTB & XH khẳng định, công tác XKLĐ thật sự là “kênh” giảm nghèo bền vững và hiệu quả. 

Theo ông Huỳnh Ngọc Anh, qua khảo sát thông tin từ NLĐ và các báo cáo thì từ năm 2010 đến nay, số tiền người lao động gửi về cho gia đình là trên 30 tỷ đồng, giúp khoảng 200 hộ từng bước giảm nghèo. Điển hình như gia đình ông Hoàng Văn Pản ở thôn 8, xã Đắk R’la (Đắk Mil) vốn thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, nhưng từ khi có con tham gia XKLĐ tại Hàn Quốc thì đã tích góp được 1,5 tỷ đồng giúp gia đình mua thêm đất để canh tác cao su, hồ tiêu và mua sắm nhiều phương tiện sản xuất, vật dụng có giá trị.

Trên thực tế ở nhiều địa phương, hàng trăm nghìn hộ dân đã thoát nghèo nhờ kênh XKLĐ.  Chính vì thế cần có nhiều biện pháp hơn nữa trong việc mở rộng tìm kiếm thị trường cũng như đào tạo tay nghề và vốn ngoại ngữ để lao động nước ta có thế tiếp cận thêm các thị trường khó tính, nghĩa là cần thay đổi tích cực cả về chất và lượng.  

Để chấn chỉnh những bất cập đang tồn tại trong công tác XKLĐ, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Thị Hải Chuyền yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước tăng cường thanh tra, kiểm tra để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các vi phạm của các DN theo quy định pháp luật. Nhất là đối với các công ty không trực tiếp tuyển chọn, đào tạo và thu tiền của người lao động...

Theo đó kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những DN vi phạm hoặc hoạt động không hiệu quả trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, phối hợp cơ quan ngoại giao tìm kiếm cơ hội mở các thị trường mới, cũng như các ngành nghề mới, đem lại thu nhập cao và ổn định cho người lao động. Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động ở nước ngoài. 

Theo Đại đoàn kết

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu lao động: Còn nhiều rào cản