Cô gái, 25 tuổi, hàng ngày trước bữa cơm thường uống giấm thay nước lọc để giảm cân, sau đó đau bụng dữ dội, nôn ra máu.
Ngày 7.6, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng các cơn đau bụng dữ dội, tần suất dày đặc kèm chán ăn, hoa mắt, chóng mặt, nôn ra máu và tím tái mặt mày.
Cô gái cao 1,55 m, nặng 60 kg, cho biết mặc cảm vì béo nên quyết tâm giảm cân. Cô tập yoga và ăn kiêng thất bại, quyết định làm theo hướng dẫn trên mạng là uống giấm để giảm cân, "chi phí rẻ mà hiệu quả".
Cô cho biết uống giấm thay nước lọc hàng ngày, vào trước bữa cơm. Sau 15 ngày, cô giảm ba kg. Sau 20 ngày, cô đau bụng dữ dội, nôn ra máu, gia đình đưa đi cấp cứu. Bác sĩ Tuấn chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày và hang vị dạ dày xuất hiện một ổ loét lớn. Bác sĩ yêu cầu bệnh nhân dừng uống giấm, kết hợp điều trị tích cực.
Bác sĩ Tuấn cho biết thực tế uống giấm giảm cân là không có cơ sở khoa học, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, hệ lụy có thể kéo dài đến suốt đời.
Bác sĩ phân tích, giấm có thể giúp giảm cân bởi nó kiểm soát nồng độ đường trong máu và ức chế sự hấp thụ chất béo. Tuy nhiên, dùng quá nhiều hoặc trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, gây cảm giác khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa và ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Ngoài ra, giấm có tính chất axit, có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, bào mòn đường ruột, giết chết các men tiêu hóa và lợi khuẩn trong ruột làm người dùng không còn cảm giác muốn ăn. Tùy theo uống ít hay nhiều mà mức độ ngộ độc khác nhau.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo nên sử dụng giấm với liều lượng nhỏ và đúng cách, uống sau khi ăn hoặc pha loãng với nước trước khi uống để giảm tác dụng phụ lên dạ dày. Nếu bạn có vấn đề về sức khỏe hoặc đang dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng giấm.
Theo VnExpress