|
Minh họa: PHÙNG ANH BẢN
|
Trước Tết, Choẽ bò được bà xã quán triệt rất cặn kẽ, rất chi li rằng là: “Năm tới là năm Hổ, ông tuổi Dần vậy chi là năm tuổi của ông cho nên ông phải rất cẩn trọng ngay từ mùng một Tết. Ông phải bỏ ngay cái tính loe xoe đi. Phải chờ cho người ta đến nhà mình trước đã xong thì mới đi đâu thì đi. Xuất hành năm nay ông nhớ đi về hướng tây cho tôi. Mạng của ông hợp với hướng đó. Khi ra cổng nhớ phải bước chân phải trước. Đặt bàn chân cách mép cổng đúng ba mươi phân là được. Ông nhớ chửa?”.
Choẽ bò nghe vợ nói ra rả bên tai sốt ruột quá cứ ậm à ậm ừ cho xong chuyện. Chẳng cần quan tâm đến thái độ của chồng, bà Choẽ vừa dun củi vào nồi bánh chưng vừa tiếp tục dặn chồng: “Năm qua, nhờ phúc ấm tổ tiên, nhờ kiêng cữ chu đáo nên kinh tế nhà mình vưỡn vượt qua được cơn khủng hoảng. Dịch “lở mồm, long móng” như thế nhưng đàn bò nhà mình vưỡn bình an vô sự. Làng xóm người ta liểng xiểng cả ra nhưng nhà mình bò thịt, bò kéo, bê giống, sữa tươi vưỡn cứ đắt như tôm tươi. Tiền về vưỡn cứ bộn cả lên. Ông bảo không nhờ trời, nhờ kiêng cữ thì dễ được như thế chắc? Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, các cụ dạy mãi thế rồi. Cho nên, năm tới ông vưỡn phải lưu ý cho khoản này, nhất lại là cái năm tuổi của ông. Vưỡn cứ phải kiêng và càng phải kiêng, ông ạ”.
Bà Choẽ đai đi đai lại “vưỡn, vưỡn” đến mấy lần. Cái Choè nghe sốt ruột thay cho bố vội lên tiếng: “Mẹ chỉ được cái mê tín duy tâm!”. “A, cái con này. Không mê tín duy tâm mà được như thế này à? Cả mày nữa. Mồng một tao cấm. Chưa có ai đến xông nhà thì đừng hòng ra ngõ với tao”. Bà Choẽ đe con gái. Thằng Chụm cũng xen vào: “Thế nhà nào cũng như mẹ thì ai ra đường, ai đến chúc Tết ai? Mẹ cổ lỗ sĩ vừa vừa chứ”. “Á, cái thằng này. Lại được cả mày nữa. Đừng có trứng cứ đòi khôn hơn vịt”. Bà Choẽ bực mình. Cu Chụm lý sự: “Mẹ bảo bố xuất hành về hướng tây nhưng đằng ấy có cổng, có ngõ đâu mà đi? Chẳng lẽ năm mới lại nhảy qua hàng rào mà ra đường à?”. Hai chị em chúng đang lo được ngày đi chơi Tết mà bị giam hãm ở nhà thì tiếc quá. “Nhảy qua rào cũng phải nhảy. Thế mới gọi là xuất hành đúng hướng!”. Bà Choẽ kiên định ý kiến của mình. Choẽ bò rít một điếu thuốc lào kêu rong róc rồi thả khói lên trần nhà một cách vô tư.
Sáng mồng một Tết, cúng bái xong, cả nhà Choẽ bò ăn bữa cơm đầu năm mới thật vui vẻ. Sau đó, họ lại quây quần trước màn hình vô tuyến. Cái Choè, thằng Chụm thì đứng ngồi không yên. Chúng liên tục ngóng ra cổng. Ngoài đường, người đi chơi Tết, du xuân đã khá tấp nập. Mưa xuân nhè nhẹ bay. Hoa đào chúm chím đung đưa trước gió xuân. Tiếng nói cười rộn rã của người lớn, ríu rít của bầy trẻ nhỏ từ ngoài đường vọng tới khiến hai đứa càng nóng ruột. “Mẹ. Cho chúng con đi chơi Tết nhé!”. Cái Choè bấu áo bà Choẽ năn nỉ. Bà Choẽ lên tiếng: “Khoan đã. Chịu khó chờ tí nữa xem có ai đến nhà mình xong rồi tha hồ mà đi”. Mặt hai đứa xị xuống, phụng phịu. Lão Choẽ cũng sốt ruột không kém. Ngày thường giờ này lão đã ở ngoài đồng với đàn bò rồi, tha hồ ngắm cảnh, tán chuyện với mấy bà tát nước rồi thế mà bây giờ vẫn cứ phải ngồi xem vô tuyến.
Đang bần thần như vậy thì ngoài cổng bố con ông giáo Đào dắt tay nhau vào. Tiếng ông giáo oang oang cùng điệu cười rạng rỡ của ông khiến không khí nhà lão Choẽ rộn rã hẳn lên. Hai vợ chồng lão Choẽ ra tận cửa bắt tay đón chào ông giáo. Cái Choè, thằng Chụm cũng ríu rít không kém. Tiếng chúc tụng nhau vang lên. Những lời có cánh bay ra. Rượu chắt đầy các chén. Lão Choẽ không uống được rượu nhưng ngày Tết khách đến chúc Tết mà không nâng ly thì khiếm nhã quá nên cứ phải cố. Chạm chén. Dốc ngược. Khà. Mắt lão Choẽ long lanh. Chưa kịp đặt cái chén không xuống thì anh em Chộp, Chẹp con cháu ông giáo Đào đến. Lại chạm chén. Lại dốc ngược. Lại khà. Cứ thế, dễ phải đến ba bốn chén liền dốc ngược vào cổ họng lão Choẽ. Sau đó, thầy trò ông giáo Đào xin phép tiếp tục cuộc du xuân.
Họ vừa ra khỏi cổng thì ông giám đốc Cầm Sơn về nghỉ Tết cũng sang chúc Tết gia đình nhà Choẽ. Chẳng phải nói thì lão Choẽ quý và phục tài ông giám đốc công ty lâm nghiệp này như thế nào rồi. Đợt nào về quê, ông giám đốc cũng sang chơi nhà lão Choẽ. Không chỉ thế, ông giám đốc còn có quà miền rừng cho nhà Choẽ, đặc biệt, ông ấy lại có tài làm thơ nữa mới khoái chứ. Thơ về rừng, thơ về vợ và cả thơ về đàn bò nhà Choẽ nữa. Bài nào bài ấy cứ gọi là mê ly. Chả cứ lão dỏng tai lên nghe mà cả vợ lão cũng tít mắt vào khi giám đốc đọc thơ. Nhà thơ Cầm Sơn được lão Choẽ ưu ái riêng cũng ở cái lý đó. Mồng một Tết, có khách thơ tri kỷ đến thế này thì chỉ có nhất.
Trong ngà ngà men say, lão Choẽ líu ríu bắt tay nhà thơ. Bà Choẽ cũng xốn xang không kém. Chỉ chờ có vậy, cái Choè, thằng Chụm mắt trước mắt sau chạy tót ra cổng hoà cùng tốp mấy đứa bạn đi chơi. Còn lại vợ chồng Choẽ bò và “nhà thơ công ty” Cầm Sơn. Họ ngất ngư men say, ngất ngư thơ. Bà Choẽ tất bật phục vụ hai nhà thơ của xóm. Cứ sau mỗi câu thơ họ lại cạch, lại khà, lại rung đùi tâm đắc lắm. Tiếp đó, lại thêm mấy vị nhà giáo nữa thế là không khí thi ca mừng năm mới ở nhà lão Choẽ tưng bừng hẳn lên. Bà Choẽ cũng tự hào về ông Choẽ. Chả thế lại không ư, chăn bò như lão ấy mà được đàm đạo thơ văn với các nhà giáo, với cả giám đốc thi sĩ nữa thì xóm Cổ Cò này chỉ có một.
Đang cao hứng thì mấy vị rủ nhau đi chúc Tết hàng xóm. Đúng quá đi chứ, ngày Tết phải đến chúc mừng nhau chứ. Không khí đầu năm mới đẹp như thế này cơ mà! Thế là họ bá vai bá cổ kéo nhau đi. Sực nhớ đến cái điều phải kiêng kỵ, bà Choẽ níu áo chồng: “Ông thư thả hãy đi. Cho các bác ấy đi trước mình ra sau tí cũng được”. Lão Choẽ nhìn vợ ngạc nhiên. Bà Choẽ vít cổ chồng ghé tai thì thào: “Xuất hành!”. Chẳng may mấy ông giáo nhìn thấy cảnh ấy ai nấy đều tủm tỉm cười khen cho vợ chồng Choẽ bò “tình củ”.
Lão Choẽ ra sau cùng. Suýt nữa thì lão đưa chân trái ra trước, bà Choẽ phải lấy tay đập đập vào chân phải của lão lão mới nhớ. Đoạn, bà chỉ vào chỗ đánh dấu mẩu thuốc lá ngay cạnh vạch cửa và lão Choẽ đặt đúng bàn chân phải của mình vào đó. Mấy người líu ríu ngả nghiêng chờ lão Choẽ. Lão Choẽ thấy vậy xăm xăm bước đi về phía họ. Bà Choẽ vội chạy theo: “Đi đằng này cơ mà!”. Bà kéo áo ông chỉ về hướng tây. Lão Choẽ lờ đà lờ đờ nhưng vẫn láng máng nhớ lời vợ. Lão ngán ngẩm ngó thấy cái hàng rào tre gai khá kiên cố. Trèo qua cái hàng rào ấy là ra đến đường lớn. Xuất hành về hướng ấy ư? Trèo rào ư? Sao lại phải trèo rào để đi chơi Tết? Đang lơ ma lơ mơ thế này liệu trèo rào có ổn không? Đầu óc lão Choẽ mụ lên với bao câu hỏi và lão tủm tỉm cười một mình.
Dáng chừng chờ lâu sốt ruột, “nhà thơ công ty” oang oang chạy tới bá vai lão Choẽ kéo tuột ra cổng. Bà Choẽ tròn mắt chẳng kịp phản ứng gì chỉ ú ớ kêu lên mấy tiếng nghẹn ứ trong cổ họng vừa lúc lũ bò trong chuồng kêu rống lên một lượt. Thế là năm nay lão Choẽ nhà mình xuất hành mới đúng được một nửa. Mặc dù vậy, nhìn lão Choẽ được các nhà giáo, nhà thơ xóm bá vai, bá cổ dìu nhau đi chơi Tết thế là bà vui rồi. Choẽ bò được sánh vai với các “nhà” như thế mà lại không may ư? May quá đi chứ. Nhà kinh tế Choẽ bò sánh vai cùng với các nhà giáo, nhà thơ, nhà trí thức, lại cả giám đốc công ty lâm nghiệp nữa cơ mà! Ai bảo xuất hành năm nay lại không tốt? Đại tốt là đằng khác. Bà Choẽ nhìn họ rồi nhìn đàn bò vàng ruộm trong chuồng. Bà mỉm cười một mình lâng lâng trước gió xuân.
THU TRANG