Xuân về bên gốc si già

05/03/2016 07:29



Minh họa: Văn Hà

Trời đang xanh như lá non mùa xuân, thế mà đổ mưa. Lúc đầu mưa chỉ nhè nhẹ rồi sau thì rào rào như mưa mùa hè. Những mảng mây trắng, mây xanh lềnh bềnh trôi trên trời. Bác Bè chép miệng, kiễng chân, cố nghển cổ buộc nốt cái dây dù vào cành si to nhất căng tấm bạt để che cho “tiệm” cắt tóc của mình. Mấy hạt mưa thi nhau trượt dài trên trán bác, làm cho mắt bác cay cay. Khi tấm bạt vừa dang rộng ra từ gốc si cùng với các cành ưỡn mình hiên ngang ra che mưa cho chủ thì cũng là lúc bác Bè hắt xì hơi liên tục. Chắc do nước mưa đầu mùa mà bác bị dị ứng, phải bôi dầu gió ngay kẻo cảm cúm như chơi. Trên đường, người xe đua nhau chạy mưa. Xa xa, dưới chân cầu vượt, nơi mà chợ họp tạm đã chen chúc người đứng trú mưa. Nền chợ cũ đang đổ cát để chuẩn bị xây mới, nước mưa xối vào thành từng dòng, từng vũng, đục ngàu như nước phù sa. Mấy mái lều cũ của các bà bán hàng khô bằng lá chuối chưa kịp nhổ đang phất phơ tơi tả. Cái quán nước của bá Cam cũng bị nước mưa tập kích bất ngờ nên ướt dề dề. Bá Cam bận việc gì mà sáng nay chưa ra dọn hàng, chứ nếu có đi chợ rồi thì cũng trở tay không kịp. Những kẹo, bỏng, bánh rán, chuối, mía không bị ướt từ trên xuống thì cũng bị bẩn vì nước mưa bắn từ dưới lên, hỏng hết hàng họ. Mà không biết bá làm sao vẫn chưa ra dọn hàng nhỉ? Bác Bè chợt thấy bồn chồn ruột gan. Có bao giờ bá chịu đi muộn hơn bác và chú Tập đâu, trừ khi bá ốm.

Hôm trước bá vẫn còn ngồi nghe bác kể chuyện rồi cười như pháo ran cơ mà. Còn mượn lại tờ báo có bài đăng về cây si phố chợ của bác để đem phô tô đọc đi đọc lại dù đã nghe anh Hiệp đọc rồi. Góc phố chợ này với bốn năm cái lều quán bám trụ từ sáng cho tới tối được bác Bè khao một chầu nước mía của bá Cam để chia sẻ niềm vui ngọt như đường của bác. Chú Tập từ góc cắt tóc bên kia băng qua đường sang kéo máy xay mía cho bá Cam, nhưng tai vẫn không bỏ sót một từ nào trong bài văn mà anh Hiệp xe ôm đang hết mình diễn cảm.

- Hay đấy chứ nhỉ? Khác hẳn kiểu những tin bài khác, đọc mà cứ thấy gân bị giật thật.

- Không ngờ chuyện về cái cây si già ở góc chợ con này mà cũng một ngày được lên trang báo!

Bá Cam ngước mắt nhìn lên cây si già nua nhẫn nại bám sâu vào lòng đất để đổ bóng ra đường. Ánh mắt bá đăm đắm. Cái cách bá ngắm cây si như thể một cô gái ngắm nhìn cảnh hoàng hôn đang xuống sau những dãy núi mờ xa. Rất miên man. Bác Bè cũng bị lây truyền cái cung cách chiêm ngưỡng đó. Như thể lần đầu tiên bác khám phá ra điều mới lạ ở cây si quá quen thuộc này. Như thể những người khách lần đầu tiên đặt chân xuống cái phố chợ nghèo này, ánh mắt họ bao giờ cũng dừng lại nơi cây si đang xoè ra bóng mát để cho khách bộ hành dừng chân. Như thể những người con xa quê lâu lắm mới trở về, làng xóm, luỹ tre chẳng còn nhưng họ vẫn dõi mắt tìm cây si để định hình ra con đường rẽ về làng mình. Còn cây si vẫn như một người tình đứng tuổi trầm tĩnh, đứng đó im lặng để nghe yêu thương chất đầy trong ánh mắt, gợi về ký ức xa xăm.

Ngày ấy, bác Bè còn bé xíu, đến nỗi khi mưa lũ ập đến, cả nhà đang mải di dời mấy bồ thóc lên cao, bảo anh trông em, thằng em bò ra khỏi cái gác dựng tạm bằng tre nứa, rơi tõm xuống nền nhà đầy nước. Vứt vội bao thóc bên hông, bố lao tới vớt con lên. Thằng bé sợ tím tái cả người, lên cơn sốt cả mấy ngày. Mưa càng lớn, nước càng dâng lên cao. Nhà tường vách đất không trụ nổi với nước lũ và sức nặng của mấy người đang đeo bám sự sống bằng mấy cây tre chằng buộc giữa chừng, một cái hòm đỡ ở dưới để làm căn gác tạm. Bỗng đâu, một trận lốc gió cuốn phăng mái nhà đi, các bức tường vách dần dần đổ ụp, bố vừa kịp đi tìm được mấy cây chuối đóng bè lao đến chở mọi người đi ra sân đình, chỗ cao nhất có thể duy trì sự sống cho gia đình. Mẹ bác ngồi ôm con chắp tay vái trời cho đứa con nhỏ đang rên ư ử được sống sót trong khi mọi người xôn xao chuyện cây si cổ đầu làng đêm qua bị gió bão đánh bật gốc đổ ụp xuống dòng nước. Bố bác kể khi ông đẩy bè chuối ra tới nơi thì mọi người đã tranh nhau chặt cây si ra để lấy gỗ lấy cành về làm giáo, làm sào, để tiếp tục bắc chỗ ở chống chọi với nước lụt. Có người thì cướp cành về để nhân giống làm một cây si cảnh trong vườn nhà mình. Ông đã lao vào như ôm lấy gốc si đã trơ trụi.

- Đừng chặt nữa! - ông hét lên.

 Mấy người đàn ông mặt đỏ phừng, phản pháo:

- Đi ra khỏi gốc đó đi, dù sao thì nó cũng bật gốc rồi.

- Cho mỗi người mấy cành chả làm được khối việc bắc giáo lúc lũ lụt này hay sao?

Ông nhìn khắp lượt mọi người, rồi nói lớn:

- Cây si này thời chống Pháp nằm giữa đồng không mông quạnh, gần bãi tha ma nên là địa thế thuận lợi làm nơi gặp gỡ bàn việc cơ mật của đội Việt Minh làng ta, là nơi mà từ đây đã châm ngòi nổ ra những cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ cho đến trận khởi nghĩa phá kho thóc của Nhật giành thắng lợi. Cây si chẳng phải là một di vật lịch sử sao? Hơn nữa, cây si là mốc quan trọng đánh dấu về làng ta. Không thể để mất cây si này.  Làng ta các cụ vốn gọi là làng Si Cổ. Mọi người có nhớ không? Làng Si Cổ.

Sóng vỗ oàm ạp vào bè, thuyền, vỗ cả vào lòng mỗi người. Không ai nói gì. Mọi người lầm lũi bơi bè, bơi thuyền về làng, chỉ có tiếng sào đạp nước đang cuồn cuộn trên đường mà như đi giữa biển mênh mông.

Đem đến hạt gạo cuối cùng ra nấu cháo thì nước rút, bố bác cùng những người đàn ông trong làng ra dựng gốc si dậy.  Bác Bè cũng dần dần khoẻ sau trận ngã suýt chết đuối ấy nhưng hậu quả để lại một bên chân cứ teo nhỏ hơn, phải đi khập khiễng. Để không quên trận lụt năm ấy, bố bác đặt tên cho con là Bè. Trần Văn Bè. Cái bè chuối cứu sống cả một gia đình khi lũ lụt được ghi công bằng tên gọi cho một con người.

Sức si vốn dẻo dai, bền bỉ cứ mỗi đợt nắng đến mưa về là lại vươn cành lên cao, cao mãi. Cánh đồng mênh mông cũng biến thành nhà cửa, cây si gần dân hơn, thành người đứng gác ngay đầu làng. Cho đến khi bác Bè giương tấm biển tự vẽ là “Bè cắt tóc” lên gốc si thì tự dưng nơi đây biến thành một điểm  làm đẹp cho cánh đàn ông và nơi thư giãn chén trà, bàn cờ của các ông lão, rồi dần dần biến thành một cái chợ quê con con. Có anh thanh niên ngồi cắt tóc, mắt thì lơ đãng dõi vào gốc si chằng chịt những rễ, miệng thì thắc mắc với bác: “Sao bác lại có cái tên quái vậy?”. Bác Bè chỉ tủm tỉm cười. Cây kéo lướt như bay trên những sợi tóc, cánh tay bác biến hoá thoăn thoắt trên cái đầu rậm rịt như rễ si, tiếng tăng đơ lách tách chạy dưới vành tai. Sau khi bác cởi chiếc khăn choàng ra, anh chàng đứng dậy, cúi xuống nhìn quả đầu mới của mình trong gương, đoạn hết nghiêng sang trái, lại nghiêng sang phải ngắm nghía: “Quả là tay kéo Bè có khác, ngọt thật, mướt thật!”. Tay kéo của bác thì đến người khách khó tính nhất cũng không thể chê được. Ấy thế mà cũng có lúc vắng khách, nhất là khi chú Tập dựng một quán cắt tóc bên kia phố. Một người mới vào nghề với một người đã như cây si cắm rễ ở góc chợ này cùng cạnh tranh lành mạnh. Khi có khách đợi nhiều, bác Bè giới thiệu sang chú Tập với lời bảo đảm chất lượng. Thế nên buổi vắng khách, bác ngồi lên cái ghế cắt tóc dành cho khách, tay cầm tờ báo mà mắt thì đóng đinh vào cây si trước mặt. Đêm về khó ngủ bác lôi cuốn sổ nhỏ và cây bút ra. Ký ức về cây si trong lần lũ lụt qua những lời kể của cha mẹ, rồi những kỷ niệm đầu tiên bác rụt rè bắc ghế đợi khách đến cắt tóc sau một thời gian dài tự mài kéo trên những mái đầu trẻ thơ trong làng, hình ảnh chú Hiệp ngủ gà ngủ gật trên chiếc xe ôm đợi khách, cảnh bá Cam mải miết ghì người lên xay nước mía để bán…, tất cả dưới tán lá si sum suê bóng mát, cứ trào dâng, trào dâng.
Báo biếu đến tay bác. Tên bác in đậm sau tựa bài viết. Bác Bè vui đến ngột thở. Suốt đêm đó bác thao thức khó ngủ, mong cho đến sáng để đi làm, gặp mọi người còn khoe.

- Tác giả Trần Văn B...e…e…è…! - anh Hiệp nhắc lại.

 Ai chẳng cho rằng tên mình là ý nghĩa với bản thân mình nhất, dù cái tên đó chỉ là Bè, ghi ơn cái bè chuối đã cứu sống một gia đình... Bác cảm thấy trái tim mình có cánh, nó đang đập loạn xạ như muốn bay ra khỏi lồng ngực, khi cái anh chàng mồm to đọc như xướng lên cho mọi người nghe.

- Oai chưa. Bác Bè không chỉ có tài vít đầu vít cổ người ta xuống mà còn biết múa bút trên giấy nữa, quả là một tâm hồn nghệ sĩ.

Nghe anh Hiệp nói thế, chú Tập phản ứng nhanh:

- Vít cổ người ta xuống mà cắt cũng đã là nghệ thuật rồi đấy.

- Vậy ở góc phố quê nghèo này đã có hai tâm hồn nghệ sĩ rồi nhỉ? - anh Hiệp nháy mắt - Tuy nhiên nghệ sĩ hay chỉ là vít cổ thiên hạ thì cũng phải vít được cổ một cô, một bá chứ, cũng phải lấy vợ chớ. Ai lại cứ ở một mình một bóng hoài vậy. Bác Bè?

- Bá Cam thấy thế nào? Theo ý chúng em là…

- Này, này, mấy chú có để cho tôi bán hàng không? Ai về việc nấy đi, có khách gọi xe ôm kìa. Nhanh lên, xế chiều rồi.

Bá Cam với vội mấy cái cốc nước mía rửa lách cách. Chú Tập trước khi về quán cắt tóc của mình còn bâng quơ:

- Nhanh lên đi, xế chiều rồi!

Bác Bè coi như không nghe thấy mấy tiếng đó, bác lấy đống dao kéo ra lau chùi. Bá Cam nhìn lén bác một cái. Bác bắt quả tang ngay cái nhìn đó vì bác cũng đang nhìn lén bá qua cái gương cắt tóc của mình. Bá Cam vội quay đi. Y như cái vội vã quay đi khi bá bế thằng Phúc vừa mới ẵm ngửa ra đường nhai cơm cho con ăn gặp bác Bè đi qua. Hồi ấy, bác biết là bá ngại. Là người làng trên xóm dưới với nhau, khi bá Cam chưa đi thanh niên xung phong bác Bè lúc ấy có gặp cũng chẳng dám nhìn cô Cam xinh đẹp lấy một cái vì tự ti mình vừa xấu vừa yếu, chân chấm phẩy, trong khi cô Cam như bông hoa đồng nội đang khoe hương sắc, bao nhiêu trai làng quanh quẩn làm cái cổng tre nhà cô nhẵn thín. Với cái chân thậm thọt vừa đi vừa quơ rạ đó, việc đi lại làm đồng cũng chẳng thể tuyến đầu “anh cày em cấy” mà bác chỉ đi bám càng mẹ như nhổ mạ, nhặt cỏ, và chủ công là chăn trâu mà thôi. Hôm cả làng tiễn các chàng trai cô gái ra chiến trường, Bè cũng chỉ đứng khuất sau luỹ tre làng mà nhìn. Cho tới lúc bá Cam rời khỏi chiến trường trở về với cái bụng chửa, dân làng khối kẻ bĩu môi dè bỉu. Bố mẹ bá lần lượt qua đời. Thằng Phúc lớn lên cũng quặt quẹo đau ốm chẳng được khỏe mạnh như những đứa trẻ bình thường. Bá Cam ngày một hao mòn.  Bố mẹ bác Bè cũng lần lượt qua đời, các anh chị thì đều ra ở riêng, có con cái lớn cả. Họ nhiều lần đi tìm đám để giới thiệu cho em nhưng gặp mặt bác, nhìn cái dáng đi có một không hai ở vùng này, cô nào ra về cũng không thấy hồi âm gì hết. Rồi một năm đôi ba trận ốm khiến ước mơ lấy vợ cho bác của người thân cũng nguội dần. Nhưng từ khi mở tiệm cắt tóc bên gốc si, bác Bè như được trời cho sức khỏe, ít ốm yếu hẳn, thậm chí còn khỏe lên.

Bác Bè lều quán ra trước, năm sau bá Cam cũng sắm bàn ghế gánh hàng ra gốc si bán nước, công việc đồng áng chỉ làm tranh thủ. Phúc đã lớn nhưng không đủ sức khoẻ đi làm công ty đành bám vào cái chợ, nó phụ bán cá cho dì Út nhà bá, chủ yếu là mổ cá cho khách.

Lúc Phúc ra dọn hàng cho bá Cam, gặp nó, bác cứ ngắm đôi bàn tay sưng vù lên vì nước. Tuy rằng có chỗ trầy xước, rớm máu vì mổ cá nhưng bác vẫn nhận ra đôi bàn tay này có vẻ khéo, những đốt tay dài, đầu ngón tay thon. Nó thấy bác phải kiễng chân lên buộc lại bạt thì nhanh nhảu ra giúp, bác bảo bá Cam và Phúc:

- Chị có muốn cho cháu học cắt tóc không?

Bá Cam không khỏi ngỡ ngàng:

- Bác bảo sao ạ? Cháu nó nhà tôi vốn ốm yếu, chẳng biết có phải do ngày trước tôi ở chiến trường không…? Nó... nó... liệu có học cắt tóc được không?

- Chẳng phải tôi cũng vốn dĩ ốm yếu đó sao? Nếu cháu muốn tôi sẽ dạy cháu cắt tóc - bác nắm tay Phúc thật chặt - Cháu có đôi bàn tay mà. Thế nào, chàng trai?

- Bác dạy cháu! Cháu muốn, cháu muốn...

 Vì một đề nghị bất ngờ, Phúc bối rối lắp bắp.

Phúc vẫn ra chợ cá mỗi sáng, giữa trưa mới đến gốc si gặp thầy học nghề. Nhưng từ hôm có trò, bác Bè sáng nào cũng ra sớm hơn thường ngày. Vui vui bác còn đôi lúc huýt sáo và chịu đi loăng quăng quanh khu phố chợ gặp người nọ người kia, trước kia bác chẳng bao giờ như thế, bác lý do chân kia đi nhiều bị đau, ấy vậy mà bây giờ đi nhiều hơn, la cà chuyện trò nhiều hơn chẳng ai thấy bác nhăn mặt kêu đau.

Mọi thứ đều tốt cả. Duy chỉ có điều, bác nghe nói, họ mở rộng chợ, mở rộng đường, cây si lại nằm trên phần diện tích cần mở rộng đó. Và họ sẽ chặt nó. Đó là điều làm bác đau lòng. Bác Bè mất ngủ nhiều đêm, những giấc mơ đứt quãng rời rạc, bác mê thấy những cành si bị chặt, rễ si bị chém, tơi tả trên mặt đất. Giật mình tỉnh giấc, bác ngồi bó gối. Bác lại lấy cuốn sổ nhỏ ra ghi ghi chép chép cho đỡ buồn.

Một chiếc xe đỗ bên lề đường. Nước mưa bắn tung toé. Người đàn ông bước xuống xe, rẽ vào “tiệm cắt tóc” của bác. Người không phải vùng này, khách lạ. Bác Bè cười cởi mở. Người đàn ông cất lời chào bác.

- Xin bác cho hỏi đường về làng Si Cổ?

Lại một người hỏi đường về làng bác. Dù rằng hai bên cánh đồng đã mọc đầy nhà cao tầng nhưng người ta vẫn thường đỗ đúng gốc cây si này để hỏi đường về làng Si Cổ. Và dù rằng làng bây giờ đã có một cái tên hành chính mới là thôn Phú. Có anh đi xa mấy chục năm về, làng xóm đã đổi thay nhưng vẫn nhớ được gốc si này mà kêu xe dừng lại, người đàn ông này cũng thế.

- Dạ bác rẽ phải đi qua dãy nhà dọc phố qua giếng làng là vào giữa làng.

- Bác chắc là dân làng này ạ?

- Dạ, vâng.

- Vậy tôi hỏi nhà cô Cam thì đi theo lối nào?

Bác Bè chột dạ:

- Nhà bá Cam cứ đi đến giữa làng rẽ trái, đi qua cái ao lớn thấy nhà có cổng tre thì vào.

- Cảm ơn bác!

Người đàn ông mở cặp rút ra một tờ báo, tờ báo bác Bè trông quen quen. Rồi ông ấy lại ngắm cây si già với cái biển hiệu cắt tóc của bác. Vẻ mặt ông ta tươi vui hẳn lên.

- Chắc là bác rồi, bác là Bè phải không? Trần Văn Bè?

- Vâng, là tôi…

Ông ấy nghe thấy thế thì chìa tay ra bắt tay bác Bè thật chặt, giọng hồ hởi:

- Tôi nhờ đọc một bài báo của bác có đăng địa chỉ làng Si Cổ mà tìm ra địa chỉ của cô ấy nên mới đến được. Chúng tôi là đồng đội cũ. Một lần tôi có nghe cô ấy kể về chuyện làng còn có tên là Si Cổ, chỉ nhớ láng máng như thế. Vì cái tên làng lạ. Bao nhiêu năm bặt tin mẹ con cô ấy, không biết sống chết ra sao? Nay nhờ đọc tờ báo này, thấy dòng địa chỉ của bác mà tôi mới tìm đến được.

- Mẹ con bá Cam vẫn khoẻ.

- Thế thì tốt rồi. Một lần nữa cảm ơn bác nhiều lắm, bác Bè! Nhờ bác mà chúng tôi gặp lại được nhau. Tôi gặp được mẹ con cô ấy. Cảm ơn bác!

Người đàn ông bệ vệ lại bắt tay tạm biệt bác để lên xe, nhanh như muốn gặp người xưa lắm rồi. Chiếc xe tăng ga, nước bắn bong bóng lên.

Bác Bè ngồi thừ xuống ghế. Nhờ địa chỉ của bác đăng sau bài báo mà bá ấy gặp lại đồng đội, gặp lại người cũ. Cũng vui thật đấy. “Bao nhiêu năm bặt tin mẹ con cô ấy”, niềm vui đoàn tụ sau bao năm thất lạc. Anh chàng Phúc sẽ sung sướng, hạnh phúc lắm khi có một người cha. Trông ông ta như thế, chắc thằng Phúc sẽ thôi đến lớp học cắt tóc dưới cái gốc si bụi bặm này rồi. Mừng cho bá Cam đến nỗi bác Bè ngồi bất động như một pho tượng. Chẳng lẽ, sáng nay mẹ con bá ấy đã ở nhà để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này sao? Bác lê chân đứng dậy, cái chân thọt cứ giật nhoi nhói buốt tận xương, bác vẫn cố với tay cởi nút để thu bạt cất đi. Cành si rung động khiến cho những giọt nước mưa còn đọng lại trên lá rơi vào mặt, vào người bác. Bác thấy bồn chồn, hắt hơi mấy cái liên tiếp.

- Trời hửng rồi, sao lại dọn đồ thế bác? - chú Tập bên kia hỏi vọng sang.

- Trời vẫn mưa đấy thôi.

Bác Bè vì cơn mưa cuối mùa ấy mà bị ốm một trận tơi bời. Lâu rồi bác không ốm rề rề như xưa nữa nên nay ốm như nặng hơn. Gần một tuần vẫn lề bề lệt bệt không thể đi cắt tóc được. Đang cố ăn bát cháo mà chị gái đến nấu cho thì có tiếng gọi cổng, lúc sau thằng Phúc và bá Cam bước vào. Bá Cam tươi cười lắm, trông bá có vẻ trẻ ra. Bác Bè nhận ngay ra điều đó.

- Bác ốm thế này mà mẹ con em không biết đến thăm bác sớm, cứ tưởng bác bận việc gì?

- Tôi thì bận việc gì nữa cơ chứ ngoài việc ốm đau.

- Hôm rồi, bác Tuân đồng đội cũ của em cứ nhắc tới bác và gửi lời cảm ơn bác mãi đấy.

- Anh ấy đã nhận mẹ con chị? Chúc mừng gia đình mình sum họp.

Bác Bè nói chúc mừng nhưng cái mặt thượt ra như cái bơm. Bá Cam ớ người ra mất một lúc, rồi như hiểu ra sự tình, bá cười đỏ cả mặt, rồi bá kể. Bấy giờ, bác Bè mới vỡ lẽ, bác Tuân chỉ là bạn của bá Cam, bạn của bố cháu Phúc, bố cháu đã hy sinh từ khi chưa biết có cháu trên đời. Bá Cam đang kể, chợt xúc động quay mặt đi khẽ lấy tay áo lau mấy giọt nước mắt. Đoạn, giọng bá lại hào hứng khi nói rằng bác Tuân về thăm bá lần này cũng là một công đôi việc, bác ấy nói rằng cấp trên sẽ để khu chợ mở rộng ra hướng tây và quyết định giữ lại cây si cổ cho làng, vì cây si là một di tích lịch sử không chỉ của làng ta.

Bác Bè nghe tin cây si không bị chặt phá, vội vàng lắp bắp hỏi y như anh chàng Phúc chuyên cà lắp:

- Không phá bỏ cây si, thật chứ? Thật chứ?

- Thật mà. Ông Tuân nói thế.

Phúc cầm tay bác Bè:

-  Bác khỏi ốm nhanh còn... còn dạy cháu cắt tóc chứ! Để lâu, tay... tay cháu cứng... cứng rồi này...

- Đương nhiên là bác sẽ khỏi ốm ngay thôi - giọng bác Bè chắc như đinh đóng cột.

Bác cảm thấy người mình nhẹ bẫng, chợt như có thuốc tiên xông xuống, cái chân thọt gần hết nhức nhối, ê buốt.

Ngoài khung cửa, mưa xuân đang rơi lay phay.

Truyện ngắn của NGUYỄN THU HẰNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuân về bên gốc si già