Đến thăm cơ sở sản xuất hương Nhật Thúy ở làng nghề làm hương Dưỡng Thái Bắc, xã Phúc Thành (Kim Thành), chúng tôi ấn tượng bởi những nong phơi tăm tre đỏ rực dưới nắng vàng cuối đông.
Công nhân cơ sở sản xuất hương của gia đình chị Thúy làm cả tối để đáp ứng nhu cầu thị trường
Trong xưởng lúc này có khoảng 10 công nhân đang làm việc, người vuốt hương, người phơi...
Nhanh tay xếp những nắm hương vào thùng giấy để chuẩn bị đóng gửi cho khách, chị Nguyễn Thị Thúy cho biết từ tháng 10 đến gần hết tháng 12 âm lịch là giai đoạn bận rộn nhất của những người làm hương trong làng.
Gia đình chị Thúy làm hương đến nay đã được gần 40 năm, từ đời cha ông truyền lại. Vào những ngày thường cơ sở của gia đình chị chỉ có từ 5 - 7 lao động làm việc nhưng dịp cuối năm số lao động tăng gấp đôi.
Năm nay thời tiết ít mưa, nắng nhiều nên sản xuất hương rất thuận lợi, người làm hương không mất nhiều công phơi, sấy nên chi phí cũng giảm. Từ đầu tháng 10 đến nay, gia đình chị Thúy sản xuất hương không kịp đáp ứng theo đơn hàng của các đại lý nên chị phải bố trí công nhân làm thêm cả tối mới đủ phục vụ thị trường.
Cách cơ sở của gia đình chị Thúy không xa là cơ sở sản xuất hương Sai Liệu - một trong những cơ sở làm hương lớn nhất xã. Gần 20 công nhân cũng đang tất bật làm việc. Bận rộn vì các đơn hàng cuối năm nhưng chủ cơ sở không chạy theo số lượng mà luôn nhắc nhở công nhân phải cẩn thận, bảo đảm chất lượng từng nén hương.
Một số loại hương vẫn được làm bằng tay
Chị Trần Thị Liệu cho biết: “Không chỉ hương phục vụ Tết chúng tôi mới làm cẩn thận mà bất cứ mùa vụ nào trong năm, hương cũng phải đủ các nguyên liệu như quế, hồi, rễ hương bài, nhựa trầm.., đặc biệt hương của làng nghề Dưỡng Thái Bắc không sử dụng bất cứ loại hương liệu hóa chất nào nên mùi thơm rất tự nhiên. Mỗi mẻ hương trước khi thành phẩm, đóng gói đều phải được đốt thử để kiểm tra mùi hương nồng đượm ra sao hay hương có cháy đều không".
Vụ Tết năm nay, ngoài thị trường truyền thống là Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, gia đình chị Liệu còn mở rộng thị trường vào TP Hồ Chí Minh. Toàn bộ máy móc của cơ sở đều hoạt động hết công suất, trung bình mỗi ngày cơ sở sản xuất khoảng 2 vạn nén hương.
Mỗi nén hương là sự hòa trộn của nhiều nguyên liệu khác nhau. Tất cả các nguyên liệu đều có nguồn gốc tự nhiên, được phơi khô, nghiền thành bột, trộn lẫn với nhau theo tỷ lệ thích hợp.
Tuy nhiên, mỗi gia đình cũng có những bí quyết riêng trong pha trộn nguyên liệu, tạo ra các loại hương với mùi thơm khác nhau để làm nên thương hiệu riêng.
Anh Trần Văn Nhật, người nhiều năm gắn bó với nghề làm hương chia sẻ, trong làng có hộ chuyên làm hương trầm, có hộ chuyên làm hương quế… nhưng tất cả hương của làng nghề đều có mùi thơm dễ chịu, cháy chậm và không gây hại tới sức khỏe con người nên được khách hàng ưa chuộng. Bên cạnh việc đầu tư máy móc để tăng sản lượng, sản phẩm có tính thẩm mỹ thì một số loại hương vẫn được làm thủ công.
Sau khi làm xong, hương được phơi khô trước khi đóng gói bán ra thị trường
Ông Trần Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết nghề làm hương ở Dưỡng Thái Bắc có từ hơn 100 năm. Toàn thôn hiện có hơn 40 hộ tham gia sản xuất, chiếm khoảng 10% số hộ, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 200 lao động với mức thu nhập từ 4- 5 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi năm, làng hương cung cấp cho thị trường trên 10 triệu nén. Nghề làm hương mang lại tổng doanh thu từ 25 - 27 tỷ đồng/năm.
Cũng theo ông Huy, hương Dưỡng Thái Bắc cũng là một trong những sản phẩm tiêu biểu được huyện Kim Thành xác định là sản phẩm thế mạnh của địa phương. Để hương nơi đây tiếp tục bay xa, tới đây xã sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển làng nghề, khuyến khích bà con sản xuất theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường...
TRƯƠNG HÀ