Xử lý xe tự chế: Phát huy kinh nghiệm của Tứ Kỳ

05/07/2017 05:35

Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc xử lý, thu hồi công nông, xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, song ngoài Tứ Kỳ, các địa phương khác đang gặp nhiều khó khăn.



Việc thành lập các hội đồng định giá, thanh lý tài sản giúp huyện Tứ Kỳ xử lý có hiệu quả xe tự chế


Nỗ lực

Ở Tứ Kỳ, việc xử lý xe tự chế (XTC) được triển khai thường xuyên, liên tục và có sự chỉ đạo sát sao từ Chủ tịch UBND huyện đến các phòng, ban, chính quyền cấp xã. Do đó, hầu hết XTC ở huyện Tứ Kỳ chỉ dám hoạt động lén lút. Nhiều người dân có XTC đã chủ động chuyển đổi sang phương tiện khác.

Trước đây, số lượng XTC ở xã Tân Kỳ khá nhiều và hoạt động liên tục khiến an toàn giao thông khá phức tạp. Do chính quyền xã tích cực tuyên truyền, phối hợp xử lý nên đến nay toàn xã chỉ còn 3 XTC chuyên chở vật liệu xây dựng. "Có gia đình còn cho cả con trẻ lái XTC chở vật liệu. Ngoài xử phạt hành chính, chúng tôi kết hợp thông báo trên loa truyền thanh các văn bản của cấp trên về việc cấm XTC và thông báo trực tiếp đến các hộ để vận động họ chuyển sang phương tiện khác", ông Phạm Việt Tiệp, Chủ tịch UBND xã Tân Kỳ cho biết.

Không chỉ Tân Kỳ, các xã, thị trấn khác của huyện Tứ Kỳ cũng tích cực tuyên truyền, xử lý XTC. Ngoài ra, Tứ Kỳ đã thành lập Hội đồng Định giá tài sản và Hội đồng Bán đấu giá tài sản với các thành viên gồm: Công an huyện, các Phòng Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế - Hạ tầng, Chi cục Thuế...

Đại diện Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện Tứ Kỳ) cho biết trong quá trình tuần tra, kiểm soát, đơn vị đã kết hợp thu giữ XTC. Các phương tiện bị thu giữ được tập trung tại Công an huyện để cơ quan chức năng tổ chức thanh lý theo đúng quy định.

Theo ông Dương Hà Hải, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, mặc dù XTC phù hợp với các khu vực có đường nhỏ hẹp song mất an toàn giao thông do không được kiểm định. Huyện đã rất tích cực xử lý phương tiện này, nhưng trên địa bàn hiện vẫn còn khoảng 200 chiếc đang hoạt động lén lút. Từ đầu năm đến nay, Tứ Kỳ đã xử lý khoảng 20 phương tiện; trực tiếp yêu cầu 25 chủ xe chuyển sang phương tiện khác. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, cơ quan chức năng của huyện cũng gặp nhiều khó khăn, có chủ phương tiện lao cả người và xe xuống ao để chống đối. Cũng theo ông Hải, việc xử lý XTC được lãnh đạo UBND huyện quan tâm chỉ đạo đến cấp xã. Trước khi có quy định thu hồi loại phương tiện này, Tứ Kỳ là một trong những huyện có nhiều XTC nhất tỉnh, khoảng 300 chiếc. Nếu huyện không quyết liệt, chắc chắn số lượng XTC sẽ không giảm mà còn gia tăng.

Loay hoay

Trong khi việc xử lý XTC ở Tứ Kỳ được thực hiện bài bản, thì tại nhiều địa phương khác, các phương tiện loại này vẫn hoạt động công khai.

Huyện Nam Sách hiện có khoảng 150 XTC. Nhiều tháng trở lại đây, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động (Công an huyện) đã tích cực xử lý loại phương tiện này. Tuy nhiên, xe thu giữ về chưa biết xử lý thế nào. Trụ sở Công an huyện chật hẹp, nếu tiếp tục thu giữ sẽ không còn chỗ chứa. "Khi thu giữ được một số phương tiện, chúng tôi đã liên hệ để được hướng dẫn thủ tục thanh lý. Thế nhưng Phòng Tài chính huyện lại cho rằng công an cứ chủ động về các thủ tục liên quan. Do thu giữ nhưng không xử lý được nên việc thực hiện nhiệm vụ này không được thường xuyên, liên tục", thiếu tá Nguyễn Huy Đông, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự - cơ động cho biết.

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, huyện Thanh Hà hiện còn 147 XTC. Đại diện Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết mặc dù huyện có Hội đồng Thanh lý tài sản để xử lý XTC song hoạt động không thường xuyên. Sau mỗi đợt xử lý thì hội đồng tự giải tán và chỉ thành lập lại khi có đợt ra quân thu giữ XTC. Hầu hết XTC trên địa bàn huyện dùng để chuyên chở vật liệu xây dựng trên các tuyến đường thôn xóm chứ ít khi ra đường lớn. Do vậy việc phát hiện, thu giữ rất khó.

Ngoài 2 địa phương trên, việc thu giữ, xử lý XTC ở hầu hết các địa phương khác cũng chưa được quan tâm đúng mức. Thậm chí tại một số địa phương, số lượng XTC có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng XTC công khai lưu thông trên quốc lộ, tỉnh lộ vẫn còn phổ biến. Đại diện chính quyền cấp xã ở một số nơi còn thừa nhận chưa tích cực xử lý, nhiều trường hợp XTC là của người cùng làng xã, trong họ nên chỉ nhắc nhở chứ không thu giữ.

Toàn tỉnh hiện có 2.366 XTC. Mặc dù số lượng lớn, nhưng tỷ lệ bị xử lý còn rất thấp, chủ yếu do chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa chủ động vào cuộc. Do đó, việc lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo, huy động các lực lượng cùng vào cuộc, thành lập các hội đồng để định giá, thanh lý tài sản để xử lý XTC ở huyện Tứ Kỳ là một kinh nghiệm đáng để các địa phương khác tham khảo.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Xử lý xe tự chế: Phát huy kinh nghiệm của Tứ Kỳ