Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh và Công an cấp huyện đã và đang quyết liệt xử lý người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn...
Khi bị phát hiện sử dụng rượu bia, người vi phạm thường nhờ người thân quen can thiệp để được bỏ qua lỗi
"Gọi điện thoại cho người thân"Đây là một trong những khó khăn của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) khi xử lý tất cả các lỗi vi phạm giao thông. Đặc biệt, tình trạng người vi phạm nồng độ cồn gọi điện nhờ can thiệp để được bỏ qua lỗi diễn ra phổ biến.
Đại diện các đội, trạm của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) và Đội CSGT Công an cấp huyện đều cho rằng người đang thực hiện nhiệm vụ liên tục nhận được điện thoại can thiệp lỗi vi phạm nên rất ảnh hưởng đến công việc. Đồng thời, tạo tâm lý e ngại cho cán bộ, chiến sĩ khi xử lý hành vi này. Qua báo cáo của các ca tuần tra, kiểm soát, người vi phạm nồng độ cồn thường kết nối điện thoại và bằng mọi cách đưa cho cán bộ, chiến sĩ nghe máy. Nhiều người đầu máy bên kia tự xưng đang làm việc ở các vị trí cao, nói rất khó nghe, thậm chí dọa dẫm CSGT nếu không bỏ qua vi phạm.
Cũng do lực lượng chức năng xử lý vi phạm nồng độ cồn thường xuyên bị can thiệp nên hiện nay Công an một số huyện chưa xử lý được trường hợp nào. Trong khi đó, quy định từ ngày 1-8-2016, những trường hợp vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 46 của Chính phủ bị xử phạt rất nặng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị giữ phương tiện trong vòng 1 tuần. Điển hình như CSGT Công an huyện Gia Lộc đã xử phạt 1 trường hợp lên tới 17 triệu đồng do có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở. Người vi phạm là anh Nguyễn Đức Thuân (sinh năm 1987 ở xã Đồng Quang, Gia Lộc), điều khiển ô tô 29A-568.09. CSGT Công an huyện Gia Lộc còn phạt nhiều lái xe mô tô uống rượu bia với mức phạt từ 1,5 - 3,5 triệu đồng.
Do bị phạt nặng, người vi phạm tìm nhiều cách để được bỏ qua lỗi. Thiếu tỉnh táo do đã sử dụng rượu bia nên khi không được bỏ qua, nhiều người vi phạm cũng sẵn sàng buông những lời lẽ khó nghe, lăng mạ, chống đối, thậm chí tấn công lực lượng chức năng. Gần đây nhất, ngày 15-10, Trần Văn Sơn (sinh năm 1988, trú tại xã An Sơn, Nam Sách) đi mô tô 34F2 - 4492 không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều đường, sử dụng rượu bia đã dùng gạch tấn công khiến thiếu tá Đào Văn Bộ của Trạm CSGT Hải Dương bị thương. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Sơn.
Hạn chế về thiết bị kiểm tra nồng độ cồn cũng là một trong những khó khăn lớn ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm này. Tại nhiều đơn vị, giấy in, mực in, ống thổi dành cho máy đo bị thiếu; máy đo bị hỏng hoặc trục trặc. Nếu máy đo hết hạn phải mang đi kiểm định rất mất thời gian. Cá biệt có trường hợp cảm quan có thể nhận thấy người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia rượu nhưng khi đo không phát hiện được... Ngoài ra, các lái xe đều biết nếu bị phát hiện sử dụng rượu bia trong lúc lái xe sẽ bị phạt rất nặng nên khi phát hiện CSGT họ đã đi vào đường tắt để tránh bị kiểm tra.
Nguy hiểm nếu bỏ qua"Nếu phát hiện người vi phạm nồng độ cồn nhưng không kiên quyết xử lý, tạm giữ phương tiện sẽ rất nguy hiểm. Bởi để những người này tiếp tục lưu thông rất dễ xảy ra tai nạn và CSGT sẽ phải chịu trách nhiệm. Do đó, mặc dù thường xuyên chịu sức ép vì bị can thiệp nhưng đơn vị đã chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ kiên quyết xử phạt và tạm giữ phương tiện, không nghe điện thoại trong giờ làm việc do người vi phạm đưa theo đúng quy định", thiếu tá Nguyễn Đăng Việt, Phó trạm trưởng Trạm CSGT Hải Dương cho biết.
Việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông hiện gặp nhiều khó khăn
Trạm CSGT Hải Dương hiện là đơn vị xử lý vi phạm nồng độ cồn có kết quả cao nhất tỉnh. Từ ngày 20-8 đến nay, đơn vị đã xử phạt hơn 260 triệu đồng đối với 52 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; tạm giữ 52 phương tiện; tước 52 giấy phép lái xe. Qua phân loại, người vi phạm đều đang điều khiển ô tô con và mô tô, không có trường hợp nào là lái xe taxi, xe tải, xe khách, xe buýt.
Xác định rõ những khó khăn trong xử lý vi phạm nồng độ cồn nên sau khi kết thúc đợt cao điểm (từ ngày 20-8 đến 5-9), Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục xử lý hành vi vi phạm này. Đồng thời, giao Phòng Tham mưu kiểm tra, đôn đốc thực hiện kế hoạch thường xuyên, liên tục.
Theo đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh, việc sử dụng bia rượu khi lái ô tô, mô tô là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông. Do đó, kiểm tra, xử lý nghiêm không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng CSGT mà còn là trách nhiệm của một số đơn vị nghiệp vụ khác. Để giảm vi phạm này, ngoài chủ quan của người điều khiển phương tiện thì sự quan tâm của người thân cũng rất quan trọng. Nếu vợ thường xuyên nhắc chồng, bố nhắc con... không uống rượu bia trước khi lái xe thì chắc chắn người lái xe sẽ lưu ý và ý thức được nguy hiểm nếu sử dụng rượu bia.
Ông Hiển cho rằng hầu như lái xe chuyên nghiệp cho tư nhân, doanh nghiệp không vi phạm nồng độ cồn. Còn lái xe cho các cơ quan nhà nước, lái xe gia đình rất hay vi phạm. Do đó, các cơ quan cần tích cực nhắc nhở, giáo dục cán bộ, nhân viên chấp hành nghiêm quy định. Tới đây, khi phát hiện những trường hợp này vi phạm nồng độ cồn, lực lượng CSGT sẽ thông tin công khai tên, tuổi, đơn vị công tác trên các cơ quan thông tin đại chúng. Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng không nể nang trong xử lý vi phạm, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn. "Nếu bỏ qua lỗi vi phạm này không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên đường đối với người tham gia giao thông", đại tá Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
TIẾN HUY