Sau gần nửa năm triển khai xử lý bằng công nghệ vi sinh, hàng trăm nghìn tấn rác tại bãi rác Soi Nam đã được xử lý triệt để, bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép.
Dự kiến đến tháng 10.2020, rác thải sinh hoạt ở bãi rác Soi Nam sẽ được xử lý triệt để
Thời gian qua, Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái ven sông Thái Bình (Ecorivers) đã tập trung nguồn lực để xử lý bãi rác Soi Nam nhằm tạo mặt bằng sạch triển khai dự án và trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
"Điểm đen" ô nhiễm môi trường
Bãi rác Soi Nam ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) thuộc danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý theo Quyết định số 64/2003/ QĐ-TTg ngày 23.4.2003 của Thủ tướng Chính phủ. Bãi rác này xây dựng từ năm 2010 trên diện tích khoảng 6,7 ha. Do nằm ở phía đông nam của TP Hải Dương lại gần khu dân cư nên từ khi xuất hiện, bãi rác này trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của nhiều người dân. Vào những ngày nắng nóng hoặc khi thời tiết chuyển mùa, bãi rác bốc mùi hôi thối theo gió xộc thẳng vào khu dân cư.
Chị Trần Thị Tâm ở khu dân cư số 10, phường Hải Tân vẫn còn nhớ cảm giác khó chịu, nôn nao khi thường xuyên phải ngửi mùi hôi thối: "Thời điểm đó, cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều. Cửa suốt ngày đóng im ỉm. Người già, trẻ em thường xuyên ho, tức ngực, khó thở. Mặc dù bãi rác đã đóng cửa nhưng người dân vẫn lo lắng khi lượng lớn rác vẫn nằm dưới lòng đất".
Trong thời gian bãi rác còn hoạt động, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND TP Hải Dương thực hiện nhiều biện pháp giảm ô nhiễm môi trường như thường xuyên san ủi, phun chế phẩm khử mùi, phun thuốc diệt côn trùng, phủ cát… Sau một thời gian hoạt động, năm 2011, bãi rác Soi Nam phải đóng cửa, ngừng tiếp nhận rác thải sinh hoạt của TP Hải Dương. Thời điểm đó, cơ quan chuyên môn thực hiện các biện pháp khắc phục, xử lý ô nhiễm như san lấp mặt bằng toàn bộ khu chôn lấp rác, triển khai các biện pháp chống ô nhiễm không khí, đất, nước… Các biện pháp này cơ bản khắc phục được mùi hôi thối nhưng nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm vẫn còn. Gần 1,3 triệu m3 rác thải sinh hoạt trong bãi rác Soi Nam trở thành "điểm đen" ô nhiễm môi trường.
Giải pháp hiệu quả
Từ giữa năm 2018, Công ty CP Đầu tư Ecopark Hải Dương triển khai Dự án Ecorivers. Một nhiệm vụ quan trọng là xử lý triệt để nguồn rác thải chôn lấp tại bãi rác này, khôi phục môi trường, trả lại mặt bằng sạch cho dự án. Do tính chất đặc thù, việc xử lý bãi rác Soi Nam phải loại bỏ hoàn toàn bãi rác khỏi vị trí hiện có. Vị trí bãi chôn lấp, kể cả vùng bị ảnh hưởng cũng phải làm sạch trước khi bàn giao cho chủ đầu tư.
Việc khó này được chủ đầu tư giao cho Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương. Sau khi tiếp nhận, doanh nghiệp đã đề xuất phương án xử lý bãi rác Soi Nam tại chỗ bằng công nghệ xử lý vi sinh. Rác được sàng lọc, phân loại, tận thu mùn hữu cơ làm phân bón cho cây trồng trong dự án, thu hồi rác thải nhựa để tái chế tại chỗ. Những thành phần rác không phân hủy sẽ đốt. Tro xỉ sau đốt tận dụng để sản xuất gạch block. Nước rỉ rác được xử lý đạt cột B theo QCVN14- MT:2015/BTNMT trước khi xả ra môi trường. Ông Phùng Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Hoàng Hải Dương cho biết: “Do yêu cầu cấp thiết về thời gian, chúng tôi triển khai đồng bộ các công việc, quyết tâm thực hiện dự án trong 24 tháng, giảm 12 tháng so với kế hoạch ban đầu. Chúng tôi xây dựng toàn bộ nhà máy tại chỗ. Chưa đến 6 tháng, chúng tôi đã xây dựng xong và đưa vào vận hành. Dự kiến, tháng 10.2020 sẽ xử lý triệt để toàn bộ lượng rác thải của bãi rác”.
Sau gần nửa năm triển khai, doanh nghiệp đã xử lý triệt để hàng trăm nghìn tấn rác. Dù xử lý rác tại chỗ nhưng hầu như không phát sinh mùi khó chịu. Kết quả quan trắc cho thấy, nước thải sau xử lý đạt cột B trước khi xả ra môi trường. Nồng độ bụi và khí thải độc hại đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN61- MT:2016/BTNMT. Trong báo cáo nhanh về tình hình hoạt động xử lý rác thải tại bãi rác Soi Nam của Sở Tài nguyên và Môi trường, quá trình triển khai xử lý rác thải cơ bản thực hiện theo phương án xử lý trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các thông số môi trường qua 3 đợt quan trắc đều đạt quy chuẩn môi trường cho phép. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý doanh nghiệp khẩn trương xử lý rác và khắc phục một số hạn chế như thu hồi lượng mùn hữu cơ để trồng cây còn chậm, mùn tập kết trong khuôn viên khu vực xử lý có nguy cơ phát sinh nước rỉ rác khi trời mưa...
VỊ THỦY