Xử lý rác thải ở nông thôn chưa hiệu quả

11/06/2017 07:21

Xây dựng nhà máy xử lý rác thải quy mô phù hợp với từng địa phương, sử dụng công nghệ đốt triệt để là ưu tiên hàng đầu để giải quyết căn bản tình trạng quá tải như hiện nay.



Bãi chôn lấp rác thải tập trung của xã Hồng Lạc (Thanh Hà) đã quá tải

Lượng rác thải phát sinh nhiều, các bãi chôn lấp rác thải tập trung (RTTT) dần trở nên quá tải khiến hoạt động xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) khu vực nông thôn chưa hiệu quả, có nguy cơ rơi vào tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".

Quá tải


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT), mỗi ngày khu vực nông thôn phát sinh khoảng 600 tấn RTSH, tương ứng 219.000 tấn mỗi năm. RTSH khu vực nông thôn chủ yếu là rác hữu cơ (chiếm 67%). Thành phần rác thải có thể tái chế gồm giấy bìa, nhựa các loại, túi nilon, thủy tinh, kim loại... chiếm khoảng 26% tổng lượng rác thải phát sinh hằng ngày. Lượng rác được thu gom, xử lý tại các huyện, thị xã, thành phố, hiện mới đạt 64%. Thời gian qua, RTSH khu vực nông thôn vẫn được xử lý chủ yếu bằng hình thức chôn lấp thông thường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều bãi chôn lấp RTTT.

Ông Phạm Đức Ban, Trưởng Phòng TNMT huyện Thanh Hà cho biết đến thời điểm hiện tại, 23 trong tổng số 24 xã, thị trấn của huyện đã xây dựng được bãi chôn lấp RTTT. Mặc dù mới đưa vào sử dụng vài năm nay nhưng hầu hết các bãi rác đã "ngấp nghé" ngưỡng quá tải. Nguyên nhân do lượng rác thải phát sinh nhiều trong khi hình thức xử lý chỉ dừng lại ở việc chôn lấp thông thường nên rất tốn diện tích, các bãi rác nhanh đầy.

Tại xã Hồng Lạc, bãi chôn lấp RTTT của xã dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay UBND xã đã phải lên kế hoạch xây dựng bãi rác mới thay thế. Theo ông Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc, RTSH của gần 10.000 nhân khẩu trong xã đều được vận chuyển, chôn lấp tại bãi rác tập trung này. Với tốc độ phát sinh RTSH lớn như hiện nay, chỉ hết năm 2018, bãi chôn lấp này sẽ không thể tiếp nhận thêm rác. Hiện tại, xã đã bố trí được quỹ đất, đang xin chủ trương và kinh phí từ cấp trên để xây dựng bãi rác  mới. "Việc xây dựng bãi rác mới là cần thiết vì lượng rác thải phát sinh rất lớn, trong khi bãi rác cũ đã quá tải. Tuy nhiên, nếu rác thải vẫn được xử lý như hiện nay, chỉ vài năm nữa xã lại phải lo kinh phí, tìm quỹ đất để xây dựng bãi rác mới thay thế. Vì vậy, việc xử lý RTSH khu vực nông thôn sẽ rất tốn kém và không triệt để", ông Hào nói.

Cần xây dựng nhà máy xử lý rác thải phù hợp

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) cho biết việc xây dựng bãi chôn lấp RTTT hiện chỉ là giải pháp tình thế. RTSH của gần 8.600 nhân khẩu trong xã hiện được thu gom, vận chuyển và chôn lấp trong bãi RTTT của xã. Tuy nhiên, rác thải mới chỉ được thu gom, vận chuyển và đổ vào bãi chôn lấp, còn việc xử lý lượng rác này chưa được thực hiện đồng bộ, bãi rác có nguy cơ trở thành điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.



Rác thải đổ bừa bãi ven đường giao thông khiến tình trạng ô nhiễm môi trường thêm trầm trọng


Theo tính toán, lượng rác thải phát sinh của các hộ dân trong xã lên tới gần 2 tấn/ngày. Vì vậy, dù mới đưa vào sử dụng từ năm 2014 nhưng bãi chôn lấp RTTT của xã đã đầy. Vừa qua, UBND xã phải bố trí gần 100 triệu đồng mở rộng bãi rác để có thể tiếp nhận, chôn lấp lượng rác phát sinh ở các thôn. "Vừa tốn diện tích vừa mất kinh phí xây dựng bãi rác mới nhưng rác thải vẫn không được xử lý triệt để. Bãi chôn lấp RTTT của xã có nguy cơ biến thành điểm ô nhiễm lớn", ông Hoàng nói.

Xây dựng bãi chôn lấp RTTT, thành lập các tổ thu gom, vận chuyển rác thải góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp, những bãi chôn lấp RTTT có nguy cơ trở thành điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. "Túi nilon, bao bì bị gió thổi bay xuống ruộng. Nước thải ngấm qua đất, tràn bờ khi mưa to. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc mỗi khi trời nắng. Đây còn là ổ của ruồi, nhặng sinh sôi ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân", một người dân có ruộng gần bãi chôn lấp RTTT của xã Ngũ Hùng than thở.

Để xây dựng một bãi chôn lấp RTTT, chính quyền các địa phương phải bố trí một nguồn kinh phí tương đối để đền bù giải phóng mặt bằng, thuê máy xúc, nhân công, làm đường vận chuyển... Thực tế đã chỉ ra, xây dựng bãi chôn lấp RTTT rất tốn kém nhưng hiệu quả xử lý không cao.

Thời gian qua, một số địa phương bắt đầu sử dụng phương pháp đốt theo công nghệ Nhật Bản. Tuy nhiên, quá trình quản lý, vận hành chưa tốt dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất của người dân. Mặt khác, lò đốt RTSH công suất nhỏ hơn 300 kg/giờ bị Bộ TNMT đánh giá không hiệu quả, cảnh báo không nên triển khai trên diện rộng. Vì vậy, theo ý kiến của các cơ quan chuyên môn, xây dựng nhà máy xử lý rác thải quy mô phù hợp với từng địa phương, sử dụng công nghệ đốt triệt để là ưu tiên hàng đầu để giải quyết căn bản tình trạng quá tải như hiện nay.

    VỊ THỦY


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý rác thải ở nông thôn chưa hiệu quả