Việc làm này giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo nguồn phân bón tốt cho cây trồng...
Hội viên phụ nữ xã Ngũ Hùng xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học
Về xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) những ngày này, dễ dàng bắt gặp những ụ rơm to được phủ kín bằng ni-lông. Chị Vũ Thị Gấm, hội viên Chi hội Phụ nữ số 4 thôn Cụ Trì cho biết, gia đình cấy 1,4 mẫu ruộng. Những năm trước, do không có nhu cầu sử dụng làm chất đốt nên sau thu hoạch, rơm rạ phần lớn được đánh đống ngoài đường. Mỗi khi nắng ráo, đám trẻ trong làng hay châm đốt hoặc để mưa xuống rơm rạ ẩm mục khiến rệp ròi phát sinh gây ô nhiễm môi trường. Vài năm trở lại đây, được tỉnh hỗ trợ chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ dư thừa, sau khi thu hoạch lúa mùa, toàn bộ rơm của gia đình đều được thu gom lại để ủ. Cán bộ kỹ thuật của huyện về tận thôn hướng dẫn quy trình xử lý. Nếu như trước kia mỗi vụ gieo cấy chị phải đầu tư phân bón từ 250- 300 nghìn đồng/sào thì nay đã giảm được một nửa số tiền trên nhờ sử dụng nguồn phân bón từ rơm rạ ủ.
Nhiều chị em phụ nữ khác còn dùng chế phẩm để xử lý nguồn phân gia súc, gia cầm, cho hiệu quả rõ rệt. Theo chị Vũ Thị Thúy, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cụ Trì, quy trình, kỹ thuật ủ phân gia súc, gia cầm tương tự rơm rạ: một đống ủ được chị em làm từ 3-4 lớp, mỗi lớp dày khoảng 25-30 cm. Cứ mỗi lớp chị em lại tưới một lượt dung dịch hòa tan chế phẩm với phân NPK. Cuối cùng dùng ni-lông bọc kín để duy trì nhiệt độ, tạo điều kiện cho quá trình phân hủy diễn ra nhanh chóng và triệt để. Do phân gia súc, gia cầm vốn ẩm nên chị em không phải tưới nước và đảo trộn đống ủ thường xuyên. Thời gian xử lý bởi vậy cũng được rút ngắn xuống khoảng 30 ngày là phân đã hoai mục. Nguồn phân bón này còn giúp đất tơi xốp, cây trồng phát triển nhanh hơn, cho năng suất cao hơn. Từ chỗ chỉ trồng 1-2 sào cây vụ đông, nhiều chị đã trồng tới 3- 5 sào, có hội viên còn mượn đất trồng được 7 sào màu.
Là 1 trong 5 xã được huyện chọn về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, tiêu chí vệ sinh môi trường đã được Hội Phụ nữ đứng lên đảm nhận. Hội đã triển khai nhiều giải pháp: duy trì 7 tổ thu gom rác thải, tham mưu đặt 20 thùng rác tại các điểm công cộng, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên phân loại rác ngay tại gia đình… Từ sau hiệu quả của việc sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm rạ dư thừa và chất thải trong chăn nuôi thành phân hữu cơ, đầu năm 2014, hội tiếp tục thí điểm thực hiện xử lý rác hữu cơ trong sinh hoạt hằng ngày tại một số hộ và nhân rộng. Đến nay có 55 gia đình hội viên thường xuyên thực hiện phân loại, xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học. Nhờ vậy, một lượng lớn rác thải sinh hoạt trong nhân dân được xử lý ngay tại gia đình và bãi rác tập trung của địa phương. Chị Khương Thị Chủ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngũ Hùng đề nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, hỗ trợ chế phẩm sinh học giúp hội viên, nông dân trong xã giữ gìn vệ sinh môi trường.
HOÀNG NẾT