Xử lý nước thải trong các khu công nghiệp

08/08/2011 09:02

Hầu hết các dự án đều có báo cáo ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa riêng biệt...


Công ty CP Đại An đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngày, đêm. Ảnh: TC


Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, tỉnh ta có 18 KCN với tổng diện tích khoảng 3.800 ha. Đến giữa năm 2011 đã có 10 KCN đi vào hoạt động, với diện tích gần 2.100 ha.

Trong các KCN, xử lý môi trường, nhất là xử lý nước thải là vấn đề đáng quan tâm nhất. Nước thải của các KCN gồm 2 loại chính là nước thải sinh hoạt từ các khu văn phòng, nhà ăn và nước thải sản xuất từ các nhà máy trong KCN. Đặc tính của nước thải sinh hoạt ổn định hơn so với nước thải sản xuất. Nước thải sinh hoạt ô nhiễm chủ yếu bởi các thông số như: lượng ô-xi hòa tan trong quá trình sinh học phân hủy chất hữu cơ (BOD5), lượng ô-xi cần thiết cho quá trình ô-xi hóa chất hữu cơ trong nước thành CO2 và H2O (COD)... Trong khi đó, các thông số ô nhiễm nước thải sản xuất rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hình sản phẩm và công nghệ sản xuất cụ thể. Vì vậy, các cơ sở sản xuất phải xây dựng hệ thống xử lý sơ bộ trước khi xả vào hệ thống chung của KCN, tránh hư hỏng đường cống, đường ống nước và các hạ tầng kỹ thuật khác.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: “Tất cả các KCN đã thành lập đều được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án hạ tầng KCN. Tất cả các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN đều có ngành nghề đã được phê duyệt trong báo cáo ĐTM của KCN. Trong số 135 dự án đang hoạt động trong các KCN đã có 108 dự án được phê duyệt ĐTM hoặc xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường. Trong đó, 31 dự án đã được phê duyệt báo cáo ĐTM, 77 dự án có xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Các dự án còn lại đang trong quá trình lập và hoàn thiện hồ sơ”.

Cũng theo ông Toản, đã có 6 KCN cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng là KCN Nam Sách, Đại An, Phúc Điền, Tân Trường, Tầu thủy Lai Vu và Việt Hòa - Kenmark. Những năm qua, Ban Quản lý các KCN thông qua việc xin ý kiến về môi trường của một số sở, ban, ngành liên quan, đã từ chối tiếp nhận nhiều dự án có vốn đầu tư nước ngoài tương đối lớn, nhưng “nhạy cảm” về môi trường hoặc công nghệ chưa ở mức tiên tiến. Hiện tại, có 5 KCN đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đi vào hoạt động và xử lý nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn theo báo cáo ĐTM, với tổng công suất xử lý đạt trên 10 nghìn m3/ngày đêm. Trạm xử lý nước thải của KCN Tầu thủy Lai Vu với công suất 6.000m3/ngày đêm cũng đang được đầu tư xây dựng, sẽ đưa vào sử dụng trong quý I - 2012.
Đối với các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, việc đầu tư hệ thống thu gom nước mưa và nước thải đã được quan tâm đầu tư. Bà Trần Thị Mến, cán bộ phụ trách môi trường Công ty CP Đại An cho biết: “100% các nhà máy hoạt động trong KCN đã tách riêng hệ thống nước mưa, nước thải, được đấu nối thu gom vào hệ thống thu nước mặt và hệ thống thu nước thải của KCN. Nước thải phát sinh từ sản xuất trong KCN trung bình khoảng 700m3/ngày đêm, được các cơ sở sản xuất thu gom và xử lý sơ bộ trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải của KCN. Nước thải sau khi thu gom được bơm về trạm xử lý nước thải tập trung. Sau xử lý, nước đạt cột B theo Quy chuẩn nước thải công nghiệp (QCVN 24:2009/BTNMT). Hiện nay, nước sông Sặt được dùng cho mục đích sinh hoạt. Công ty đã đầu tư nâng cấp trạm xử lý nước thải để nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn loại A. Đối với KCN Đại An mở rộng, công ty đang tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải với công suất 5.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012”.

Tại KCN Nam Sách, trạm xử lý nước thải được xây dựng đồng bộ và vận hành đều đặn từ nhiều năm nay. Ông Nguyễn Tiến Trọng, cán bộ môi trường KCN Nam Sách cho biết: “Tất cả 18 doanh nghiệp trong KCN đều đã xây dựng xong hệ thống thu gom nước mưa và nước thải riêng biệt. Nước thải của các cơ sở sản xuất được thu gom vào hệ thống chung của KCN, sau đó chuyển đến trạm xử lý chung. Trạm xử lý của KCN có công suất thiết kế 3.000m3/ngày đêm, hiện nay lượng nước thải toàn khu chỉ 1.000m3/ngày đêm. Cứ 6 tháng/lần, công ty phải tiến hành quan trắc và báo cáo lên Sở và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Để vận hành trạm xử lý nước thải, công ty đã bố trí 8 kỹ sư và công nhân làm việc liên tục 24 giờ/ngày”. Ông Trọng cho biết thêm: “Mặc dù chi phí về điện, hóa chất, lương công nhân... khá lớn (gần 100 triệu đồng/tháng), nhưng trạm vẫn vận hành đều đặn và không bỏ qua bất cứ một công đoạn nào. Vì vậy, tất cả các thông số nước thải sau xử lý đều đạt tiêu chuẩn B, một số đạt tiêu chuẩn A theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường”.

Ngoài những KCN đã xây dựng các trạm xử lý nước thải, một số KCN vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống xử lý nước thải chung, như KCN Lai Cách, Cẩm Điền - Lương Điền (Cẩm Giàng), Cộng Hòa (Chí Linh). KCN Nam Tài (Kim Thành) hình thành trên cơ sở cụm công nghiệp cũ, vì vậy đã có một số dự án đang hoạt động. Hiện tại, Ban Quản lý KCN này đang tiến hành xây dựng trạm xử lý nước thải chung, trong khi đó các cơ sở đã hoạt động đều tự xử lý nước thải.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, các nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN cũng có những chuyển biến tích cực trong xử lý nước thải. Hầu hết các dự án đều có báo cáo ĐTM, cam kết bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải, nước mưa riêng biệt... Các cơ sở sản xuất cũng thường xuyên thực hiện việc báo cáo định kỳ các nội dung trong báo cáo ĐTM, bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường, đề án bảo vệ môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường...

Thời gian tới, tỉnh ta cần khuyến khích thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ sạch, không tiếp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường. Tăng cường kiểm tra đột xuất, quan trắc chất lượng môi trường định kỳ nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhất là việc xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đối với các trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ môi trường và các quy định của UBND tỉnh, cần xử lý nghiêm, thậm chí đình chỉ đối với những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nước thải trong các khu công nghiệp