Gia đình

Xu hướng phụ nữ cầu hôn

Theo VnExpress 14/12/2023 20:23

Hai tháng sau ngày cưới, nhiều người vẫn đùa Thu Lễ là "cọc đi tìm trâu" khi xem video chị cầu hôn anh Quang Định trong sân bóng, trước mặt hàng chục người.

"Tôi hạnh phúc vì lựa chọn của mình và muốn sống trọn vẹn với tình yêu của hai đứa nên chẳng thấy có gì đáng phải xấu hổ", người phụ nữ 38 tuổi ở TP Hồ Chí Minh nói. Trong ngày cưới hôm 12/10, chị đã chiếu lại đoạn video màn cầu hôn chồng cho dòng họ hai bên cùng xem.

Thu Lễ, 38 tuổi, TP Thủ Đức, TP HCM đang cầu hôn chồng tại sân bóng, ngày 14/7/2023. Ảnh nhân vật cung cấp

Thu Lễ, 38 tuổi, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cầu hôn chồng tại sân bóng ngày 14/7/2023 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thu Lễ cho biết đã ấp ủ ý tưởng cầu hôn anh Quang Định, 42 tuổi, từ đầu năm 2023 và thực hiện kế hoạch vào hôm 14/7. Trước đó, chị giả vờ muốn mua nhẫn đôi để đo kích thước tay chồng và chuẩn bị thêm một cặp nhẫn riêng. Sau đó, chị liên hệ với đồng nghiệp và học trò của chồng nhờ tổ chức một buổi giao lưu tại sân bóng quen của anh ở quận 7.

17 giờ, trận bóng bắt đầu, ekip quay phim tiến vào sân dưới sự hỗ trợ của đồng nghiệp anh Định, nói dối rằng đang ghi hình làm phóng sự. 30 phút sau, giai điệu bài hát "See tình" vang lên, nhóm vũ công cũng làm nhiệm vụ của mình, khuấy động bầu không khí. Anh Định vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi thấy vợ xuất hiện. "Dù tôi cầm hoa che mặt nhưng anh vẫn nhận ra. Tôi thực sự run và mãi mới dám nhìn thẳng vào anh", chị Lễ nói.

Dù đã chuẩn bị kỹ càng từ trước nhưng lúc đó Thu Lễ không tránh khỏi xúc động, nghẹn ngào. Chị tiến đến nắm tay anh và nói những lời yêu thương đã tập hàng chục lần hôm trước: "Hai năm bên nhau đủ để em hiểu và nhận ra muốn lấy anh làm chồng, làm cha của những đứa con em sau này, em tin em đã đúng".

Thấy người yêu tay vẫn run, Thu Lễ liên tiếp hỏi trong khi nước mắt chảy dài: "Anh thấy hôm nay thế nào? Anh có yêu em không, yêu nhiều không?". Anh Định bỗng nhiên khóc òa như đứa trẻ. Khoảng 15 phút sau người đàn ông mới lấy được bình tĩnh, hôn nhẹ lên trán bạn gái và nói: "Anh yêu em nhiều, anh không biết nói gì hơn". Chị Lễ rút chiếc nhẫn cầu hôn trao cho anh, cả hai ngầm hiểu trọn đời này sẽ mãi bên nhau.

Chị Nguyễn Hiếu, 24 tuổi, quản lý chi nhánh của một công ty tổ chức tiệc cưới ở TP Hồ Chí Minh cho biết những màn tỏ tình hay cầu hôn do người nữ chủ động tổ chức như của chị Thu Lễ ngày nay không hiếm. Từ đầu năm 2023 đến nay, công ty của chị đã nhận được yêu cầu dịch vụ của hàng trăm cặp vợ chồng hoặc tình nhân để tổ chức tiệc cưới, lễ cầu hôn, ngày kỷ niệm hay đơn giản là một buổi hẹn hò. "Hơn 80% là do bạn nữ chủ động lên ý tưởng, liên hệ với công ty để ngày đặc biệt diễn ra hoàn hảo, theo nguyện vọng của họ", Hiếu nói.

Người quản lý còn cho biết thêm, khách hàng năm nay chủ yếu là các bạn Gen Z, nhiều chị em sẵn sàng chi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để tổ chức lễ cầu hôn hay tiệc thân mật với người thương cùng bạn bè họ.

Đỗ Quỳnh Mai, đại diện của thương hiệu nhẫn cưới và trang sức vàng Huy Thanh Jewelry cho biết trong năm 2023, dự án "Cầu hôn bất ngờ" của công ty đã hỗ trợ hàng chục bạn nữ cầu hôn thành công. Khách hàng nữ tìm đến chủ yếu trong khoảng từ 20-30 tuổi.

"Phái nữ lên kế hoạch thường thành công dễ dàng vì các bạn nam quá bất ngờ. Có chàng trai được cầu hôn sốc quá, bạn gái hỏi mãi không trả lời được vì nghẹn ngào", chị Mai nói.

Được biết, trước màn cầu hôn, các bạn nữ đã cùng các nhân viên của chị Mai mất cả tháng để chuẩn bị kỹ từ khâu trang trí, lời thoại, tiết mục văn nghệ, quà tặng. Ngoài bày tỏ tình yêu thì các chị em cũng muốn có những bức ảnh, thước phim để lưu giữ.

Hân Nhi, 24 tuổi, Hà Nội đang trao nhẫn cho bạn trai sau khi được đối phương đồng ý lời cầu hôn, tháng 12/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hân Nhi, 24 tuổi, Hà Nội đang trao nhẫn cho bạn trai sau khi được đối phương đồng ý lời cầu hôn, tháng 12/2022 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hân Nhi, 24 tuổi, ở Hà Nội kể "dự án cầu hôn" của mình hồi tháng 12/2022 nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của mẹ chồng. Dù vậy, cô vẫn mất cả tháng để lên kịch bản, thay đi thay lại mấy chục tờ A4 vì muốn có một bức thư tay cảm xúc đọc cho người yêu nghe.

Hôm đó, Nhi mượn sân thượng của một quán cà phê gắn với kỷ niệm của cả hai người, trang trí bóng bay và treo dòng chữ "Will you marry me?". Khi bạn trai vừa bước vào quán và còn đang ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, Nhi lấy ra chiếc nhẫn và nói: "Anh có đồng ý làm chồng em không?". Chồng Nhi hôn nhẹ lên tay khiến cô chực trào nước mắt.

Nhi cho biết màn cầu hôn là lời cảm ơn đến anh, vì cô mà anh đã cố gắng tự làm nhiều thứ, luôn chiều chuộng cô dù bình thường anh khá ít nói và khô khan. "Mọi thứ người khác có anh ấy sẽ có, thứ người khác không có, tôi sẽ cố mang đến để thể hiện anh là người đặc biệt, những bất ngờ nhỏ này cũng góp phần vun vén tình cảm của cả hai", Nhi nói.

Chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc ngày càng nhiều phụ nữ chủ động cầu hôn bạn trai là dấu hiệu cho thấy bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể.

"Phụ nữ ngày nay không còn bị trói buộc bởi định kiến giới của xã hội. Họ sẵn sàng cởi mở, chủ động trong tình cảm để được thỏa mãn sở thích, mong ước của bản thân, không muốn trong thế phải chờ đợi đối phương", chuyên gia nói.

Bên cạnh đó, nhiều cô gái cho biết họ chủ động bày tỏ tình cảm của mình vì cần câu trả lời rõ ràng cho mối quan hệ có phát triển xa được không. Việc cầu hôn cũng là cách họ xác nhận nên đi tiếp hay dừng lại.

Chuyên gia tâm lý hôn nhân và gia đình Lê Thị Minh Hoa của Viện Tâm lý Sunnycare (TP Hồ Chí Minh) cho rằng việc phái nữ cầu hôn phái nam đã có từ ngày xưa nhưng xuất hiện ở hình thức khác, ví dụ mở lời, giục cưới hay chấp thuận việc hôn nhân trước khi được bạn nam cầu hôn, gián tiếp thể hiện sự chủ động của họ.

Theo thạc sĩ văn hóa Lưu Huyền Trang, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, việc nữ giới chủ động cầu hôn, chủ động tỏ tình hay chủ động quyết định hạnh phúc của mình là điều hoàn toàn phù hợp và cần được khuyến khích. Không chỉ vì người đó dám bước ra khỏi định kiến mà vì khi trân trọng điều này, xã hội đã đạt đến trình độ nhận thức cao hơn về hạnh phúc cá nhân cũng như về quyền được bảo vệ hạnh phúc cá nhân mình.

Khi phải nữ chủ động, họ đã phá vỡ quan niệm cũ kỹ "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" trong hôn nhân sắp đặt, hôn nhân chức năng (loại hôn nhân trong xã hội cũ khi hạnh phúc của cá nhân lại được xếp sau rất nhiều quyền lợi của dòng họ, làng xóm, gia đình). Không chỉ ngỏ lời yêu, ngỏ lời cầu hôn mà phái nữ còn dám từ chối, dám níu kéo hoặc dám chấm dứt một mối quan hệ mang lại nhiều bất hạnh, với mục tiêu cuối cùng là tìm và giữ hạnh phúc cho bản thân.

"Chỉ khi người con gái hạnh phúc với quyết định của mình thì mới có thể làm một người vợ hạnh phúc, một người mẹ hạnh phúc và một cá nhân hạnh phúc", bà Trang nói.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xu hướng phụ nữ cầu hôn