Nếu không được các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ thì thanh niên khó có thể khởi nghiệp vì cái thanh niên thực sự cần là vốn và kinh nghiệm khởi nghiệp.
Anh Ngô Văn Thuần ở thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đang cần vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất
Hiện nay, Nhà nước đang khuyến khích mọi người, nhất là người trẻ mạnh dạn, sáng tạo để khởi nghiệp. Nhưng nhiều thanh niên vẫn gặp khó khi phải tự xoay xở khởi nghiệp, chưa có sự hỗ trợ cần thiết từ các cơ quan chức năng.
Bí vốn
Anh Ngô Văn Thuần ở thôn Lương Gián, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) mới thành lập Công ty CP Sản xuất và Thương mại Nam Phong HD hồi tháng 5 vừa qua, chuyên sản xuất khăn lạnh, bao bì giấy, lì xì và kinh doanh phòng tập gym. Mặc dù từng nhiều năm sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực này nhưng khi thành lập công ty, anh Thuần vẫn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ, nhất là thiếu vốn đầu tư. Chi phí thuê nhân công, mua máy móc, xây dựng xưởng sản xuất tốn kém ngoài dự tính. Ngoài tiền vốn tích lũy được vài trăm triệu, vay mượn của người thân, anh Thuần đã vay ngân hàng hơn 1 tỷ đồng. Phải mất rất nhiều thời gian, sản phẩm của anh mới được khách hàng tin dùng. Anh từng bị khách hàng hủy đơn, trả lại hàng yêu cầu làm lại. Nhiều lúc chán nản, anh Thuần định từ bỏ nhưng được gia đình động viên, anh cố gắng duy trì sản xuất. Nhưng nợ cũ chưa trả hết thì yêu cầu công việc ngày càng cao, tiếp tục cần vốn đầu tư. Hiện anh Thuần cần vay hơn 1 tỷ đồng mua sắm máy móc nhưng không biết vay ở đâu để được lãi suất ưu đãi. “Nếu tổ chức Đoàn đứng ra tạo điều kiện tín chấp cho chúng tôi vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh với lãi suất thấp thì tốt. Nhưng nguồn vốn vay thông qua kênh của Đoàn Thanh niên rất thấp, chỉ vay được khoảng 50 triệu đồng”, anh Thuần nói.
Còn anh Mai Văn Sáng ở thôn Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) cũng gặp nhiều khó khăn khi mở xưởng cơ khí chính xác, chuyên sản xuất, gia công chi tiết máy cho một số doanh nghiệp. Anh Sáng mở xưởng đến nay đã được 5 năm, lúc đầu phải vay 300 triệu đồng để khởi nghiệp. Vừa làm vừa mở rộng nên đến nay anh đã phải vay ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng. Công việc không ổn định, trong khi lại nợ nần nhiều nên anh Sáng không khỏi chán nản. “Vì đã đâm lao thì phải theo lao, đi làm thuê cũng vất vả nên tôi cố gắng xoay xở, lập nghiệp ở nhà. Giờ không dám mở rộng xưởng vì vay vốn nhiều quá mà nguồn hàng lại không đều", anh Sáng chia sẻ.
Ngoài khó khăn về vốn thì không ít thanh niên chưa có kinh nghiệm, thiếu kiến thức về chính sách pháp lý hỗ trợ khởi nghiệp. Một số thanh niên dám nghĩ, dám làm, mới xây dựng doanh nghiệp nhưng lại bị gây phiền hà về thủ tục khiến họ nản chí. Thế nên, nhiều mô hình khởi nghiệp không bền, dễ thất bại.
Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Hiện nay, thanh niên ở tỉnh ta khởi nghiệp vẫn còn tự phát, manh mún. Ai biết lĩnh vực gì thì làm lĩnh vực đó, thậm chí có những người làm liều. Nhiều người mong muốn được hỗ trợ kịp thời, thiết thực để khởi nghiệp thuận lợi. Anh Nguyễn Công Huy ở khu dân cư số 1, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đang làm chủ một cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại cho biết: “Chúng tôi mở cửa hàng theo nguyện vọng cá nhân. Nhưng về lâu dài nghề này cũng bão hòa, ngày càng xuất hiện nhiều cửa hàng sửa chữa điện thoại nên kinh doanh cũng bấp bênh”.
Theo Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Hồng Sáng, nếu không được các cấp, các ngành vào cuộc hỗ trợ thì thanh niên khó có thể khởi nghiệp vì cái thanh niên thực sự cần là vốn và kinh nghiệm khởi nghiệp.
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (Tỉnh đoàn) đã phối hợp tổ chức một lớp đào tạo bán hàng chuyên nghiệp. Đây cũng là một trong những hình thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhưng để các hoạt động khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi, thu hút nhiều doanh nhân, thanh niên tham gia hơn nữa cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Được biết Tỉnh đoàn đang xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019-2022. Đề án này cần sớm ban hành để hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho thanh niên được thực hiện bài bản, hiệu quả.
MINH NGUYỆT