Xin chừa tín dụng "đen"

18/06/2014 09:03

Chuyện vỡ nợ tiền tỷ của cặp vợ chồng này xảy ra đã hơn chục ngày nhưng dư chấn của nó đối với những người dân nghèo vẫn rất nặng nề.


Sau hàng loạt các vụ vỡ nợ khủng được báo chí phanh phui, mới đây người dân Chi Lăng Bắc (Thanh Miện) lại một phen thất kinh vì vợ chồng Hải Ngần (thôn Phương Khê) tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên tới vài chục tỷ đồng. Chuyện vỡ nợ tiền tỷ của cặp vợ chồng này xảy ra đã hơn chục ngày nhưng dư chấn của nó đối với những người dân nghèo vẫn rất nặng nề. Đã có nhiều bài học cho họ, chỉ vì hám lợi trước mắt mà dốc hết tài sản cả đời tích cóp, tằn tiện đem gửi vào tín dụng "đen".

Sau cơn bão ở xã Tứ Cường làm khuynh đảo vùng quê đến vụ vỡ nợ ở thị trấn Thanh Miện, giờ đây hàng trăm bà con xã Chi Lăng Bắc cũng đang trong tình trạng sống dở chết dở. Câu hỏi đặt ra là tại sao đã có nhiều vụ vỡ nợ mà nhiều người vẫn cứ lao vào? Vì sao địa phương không thể ngăn chặn được cơn sốt cho vay nặng lãi? Lòng tham hay sự thiếu hiểu biết? Thật ra không phải người dân không cảnh giác trước những chiêu trò của tín dụng "đen" nhưng vì lợi nhuận hấp dẫn trong khi lãi suất tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thường thấp hơn rất nhiều, bởi vậy họ mới đổ xô đi khắp ngả vay mượn, gom góp tiền, vàng, thậm chí có hộ chẳng có gì cũng vẫn mạo hiểm thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng lấy tiền cho các đối tượng vay lại, mục đích để hưởng lãi suất chênh lệch, sinh lời trước mắt mà không biết được hệ lụy về sau. Vụ việc được dư luận quan tâm bởi món nợ lên tới hàng chục tỷ đồng kèm theo nguy cơ mất an ninh trật tự ở một vùng quê vốn được xem là yên bình. Điểm yếu trong việc ngăn chặn cơn sốt tín dụng "đen" ở Chi Lăng Bắc không chỉ ở khâu thông tin tuyên truyền chưa được thường xuyên mà việc nắm bắt dư luận của chính quyền và công tác thanh kiểm tra của các cơ quan chức năng cũng chưa kịp thời. Điều đó thể hiện rất rõ khi đường dây tín dụng "đen" tồn tại đến cả chục năm nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết. Chắc chắn số tiền vỡ nợ sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng khả năng thu hồi từ chủ nợ thì không hề đơn giản. Dù chưa gây thiệt hại về tính mạng nhưng vụ vỡ nợ tín dụng "đen" đã khiến cho hàng trăm nạn nhân của địa phương lâm vào cảnh bần hàn, kinh tế khánh kiệt, thậm chí bị tịch thu tài sản… Sau hàng hoạt các vụ vỡ nợ trên không ít người cho rằng, tiền đã mất thì không thể lấy lại nhưng một cái lắc đầu “xin chừa”, một lời nói “hãi chết khiếp” từ phía người dân sẽ là tín hiệu tích cực để không còn những câu chuyện buồn tương tự.

AN NHIÊN (Thanh Miện)


(0) Bình luận
Xin chừa tín dụng "đen"