Nhiều lần trò chuyện với công nhân, tôi thường thấy họ than phiền về lương, chế độ đãi ngộ thấp, chủ doanh nghiệp hay mắng chửi, phải thường xuyên tăng ca mới đủ sống…
Một số doanh nghiệp không ký hợp đồng dài hạn, ép họ ký hợp đồng ngắn hạn để giảm tiền lương. Có nơi cố tình bố trí công nhân đã luống tuổi làm ở vị trí phải có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, yêu cầu cao để lấy cớ sa thải. Thế nên, nhiều công nhân chán nản, bỏ việc.
Đấy là góc nhìn từ phía công nhân. Phía doanh nghiệp thì nhìn nhận vấn đề này như thế nào? Cuối tháng 3.2018, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ công bố Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI 2017). Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là cơ quan tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động ở Việt Nam. Trong phần “Chất lượng lao động và quan hệ lao động”, Báo cáo PCI 2017 nhận định: “Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp ngày càng trở nên ngắn hạn và ít chính thức hơn”.
Minh họa cho nhận định trên có 2 chỉ số. Theo kết quả khảo sát đối với các doanh nghiệp FDI, giai đoạn 2013-2017, tỷ lệ lao động dài hạn có hợp đồng lao động chính thức liên tục giảm, từ mức 95,3% năm 2013 xuống còn 85,4% năm 2017. Tỷ lệ lao động do doanh nghiệp đào tạo tiếp tục ở lại làm việc trên 1 năm cũng giảm khá nhiều. Năm 2013 có 76,1% số lao động do doanh nghiệp đào tạo tiếp tục ở lại làm việc trên 1 năm, nhưng cho tới năm 2017 tỷ lệ này chỉ còn 62,9%. Những con số trên cho thấy một bộ phận công nhân ngày càng ít gắn bó với doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp cho rằng nhiều công nhân không đủ sức khỏe, ý thức kỷ luật và năng lực kém nên họ phải xử lý bằng các hình thức như giảm chế độ đãi ngộ, không ký hợp đồng lao động dài hạn, sa thải… Phía công nhân cho rằng thu nhập của họ chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật lao động, thiếu chăm lo đời sống cho họ… Do đó, họ buộc phải làm việc cầm chừng hoặc nghỉ việc, nhảy việc.
Bên nào cũng cho rằng mình đúng mà chưa thực sự nhìn rõ những chỗ chưa đúng của mình. Ở nhiều nơi, khoảng cách giữa doanh nghiệp và công nhân ngày càng xa. Những cố gắng của các cấp công đoàn và cơ quan chức năng để doanh nghiệp và công nhân xích lại gần nhau vẫn chưa có kết quả.
Nếu cả doanh nghiệp và công nhân không tìm được lợi ích chung trong công việc thì cả hai bên đều chịu thiệt hại. Doanh nghiệp không có đủ nguồn lao động để ổn định sản xuất. Công nhân không ổn định chỗ làm, thu nhập bấp bênh. Môi trường đầu tư, kinh doanh bị ảnh hưởng xấu. Nhà đầu tư sẽ lo ngại khi thấy ở một đất nước mà quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và công nhân không tốt.
Tháng Công nhân năm nay có chủ đề “Mỗi công đoàn cơ sở - một lợi ích đoàn viên”. Việc mỗi công đoàn cơ sở ở từng doanh nghiệp tích cực vào cuộc để tìm ra “tiếng nói chung”, lợi ích chung giữa doanh nghiệp và công nhân cũng là mang lại lợi ích cho từng đoàn viên công đoàn, từng công nhân. Mỗi công đoàn cơ sở cần là “cầu nối” thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và công nhân, giúp cả hai bên xích lại gần nhau, mang đến lợi ích cho nhau.
NINH TUÂN