Ngày 16.9, vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa, nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La được đưa ra xét xử.
Cơ quan an ninh điều tra đọc quyết định khởi tố ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên tổ chấm thi trắc nghiệm - Ảnh: Cơ quan an ninh
Trao đổi với phóng viên xung quanh vụ án này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: "Lần đầu tiên xảy ra các vụ gian lận thi có tính chất nghiêm trọng, tác động xấu đến ngành giáo dục, làm mất niềm tin của người dân vào một số người trong đội ngũ công chức, đảng viên".
Cần bổ sung tội đưa - nhận hối lộ
Theo ông Thắng, việc điều tra, xét xử những người có hành vi trong vụ gian lận thi cử cần thực hiện nghiêm khắc, khách quan và công khai, xét xử đúng người, đúng tội.
Kết quả xét xử công tâm, nghiêm khắc không chỉ cho xã hội thấy những người coi thường pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, mà điều này còn mang tính răn đe, cảnh báo đối với những ai còn có suy nghĩ, hành vi tiêu cực.
Cùng với các giải pháp khác, việc điều tra, xét xử nghiêm minh sẽ góp phần ngăn chặn những hành vi tương tự có thể xảy ra.
* Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội từng đặt ra rất sớm và đề nghị phải làm rõ động cơ của những người liên quan, bao gồm người thực hiện việc nâng điểm và thí sinh, người nhà thí sinh được nâng điểm. Mới đây, cơ quan an ninh Hòa Bình cũng vừa khởi tố bổ sung tội danh đưa - nhận hối lộ và bắt tạm giam người liên quan. Nhưng Sơn La, Hà Giang vẫn chưa thể làm việc này, dù bản chất vụ việc tương tự?
- Bản chất vụ việc ở ba tỉnh đều tương tự như nhau, xảy ra hành vi sửa điểm, nâng điểm cho thí sinh, liên quan tới nhiều người có chức, quyền ở địa phương.
Việc này không phải ngẫu nhiên các thí sinh được sửa điểm, nâng điểm. Đằng sau đó đã có một thỏa thuận, một động cơ nào đó. Có thể động cơ đó là tiền bạc, vật chất, có thể do quan hệ thân tình, quan hệ cấp dưới - cấp trên...
Để truy cứu với tội danh đưa - nhận hối lộ thì phải điều tra, chứng minh được hành vi đưa - nhận hối lộ, có mức tiền hoặc trị giá vật chất cụ thể mới khép vào khung hình phạt theo quy định pháp luật được.
Nhưng tôi thấy rằng sai phạm giống nhau, có thể việc điều tra sẽ phải hướng đến các động cơ tương tự nhau, khi có bằng chứng thì truy cứu các tội danh giống nhau ở cả ba địa phương. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có Hòa Bình khởi tố bổ sung tội danh "đưa - nhận hối lộ", còn Sơn La, Hà Giang thì không.
Dư luận có thể đặt câu hỏi vì sao Hà Giang, Sơn La chưa thể làm rõ được động cơ đằng sau hành vi gian lận thi này? Quá trình điều tra có thể phức tạp, kéo dài hơn, nhưng đây là việc cần được tiếp tục làm rõ.
Công an dẫn bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng Sở GDĐT tỉnh Sơn La, về khám xét tại nhà riêng - Ảnh: HÀ THANH
Xử nghiêm cán bộ có con được nâng điểm
* Nếu thứ "đưa - nhận hối lộ" không phải là tiền, quà đắt tiền, tài sản khác nhưng lại có giá trị vô hình, ví dụ như sự nâng đỡ, giúp cho thăng chức, bổng lộc trong quan hệ giữa cấp trên (người nhà thí sinh được nâng điểm) và cấp dưới (người môi giới hoặc trực tiếp nâng điểm) thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh này không?
- Việc này sẽ phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu không đủ yếu tố cấu thành tội đưa - nhận hối lộ, nhưng có thể chứng minh được người thực hiện nâng điểm nhằm một động cơ, mục đích nào đó có lợi cho mình.
Đổi lại, điều đó được người có quyền thỏa thuận, đồng ý thì vẫn có thể truy cứu ở các tội danh phù hợp. Ví dụ như tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn...
* Ngoài trách nhiệm hình sự, theo ông, những người đang nắm chức quyền có con, cháu được nâng điểm có cần xử lý ở khía cạnh công chức, đảng viên?
- Dù có hay không chứng minh được hành vi đưa - nhận hối lộ hay trục lợi từ việc sai phạm nâng điểm thi nhưng những người có người thân được nâng điểm qua "nhờ vả thân tình", hoặc biết sự việc nhưng chấp nhận thì cũng phải xem xét xử lý nghiêm khắc.
Tùy theo mức độ mà áp dụng các hình thức kỷ luật đối với công chức, đảng viên. Không thể có việc người đứng đầu các ngành, người có chức quyền dính dáng đến việc gian lận nâng điểm thi mà hoàn toàn vô can. Nếu không làm nghiêm và làm đến cùng sẽ khó lấy lại niềm tin của người dân, của xã hội.
Theo Tuổi trẻ