Giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định những chỉ đạo của nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh là vi phạm pháp luật.
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chiều 4.1, trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm hai bị cáo nguyên là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và đồng phạm về các tội: "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai", bị cáo Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới đồng ý cho bán chỉ định, không qua đấu giá, đồng ý cho giảm 10% tiền sử dụng đất, giảm hệ số sinh lợi… Song bị cáo Minh không thừa nhận những chỉ đạo này là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều căn cứ để khẳng định những chỉ đạo này vi phạm pháp luật.
Trước đó, trả lời thẩm vấn của Hội đồng xét xử, các bị cáo là cấp dưới của bị cáo Minh đều thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, khẳng định các sai phạm của họ xuất phát từ việc thực hiện các chủ trương, quyết định, chỉ đạo của bị cáo Trần Văn Minh với tư cách là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Trả lời thẩm vấn của Viện Kiểm sát, bị cáo Trần Văn Minh cho biết 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát xác định có sai phạm và bị truy tố trong vụ án là tài sản nhà nước.
Liên quan tới việc bán 22 nhà đất công sản này, bị cáo Trần Văn Minh cho rằng việc bị cáo ký các công văn liên quan đến việc cho phép giảm 10% tiền sử dụng đất đối với các cá nhân, tổ chức đã nộp đủ tiền khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và cho phép thay đổi tên người sử dụng đất là căn cứ vào Nghị định 38/2000/NĐ-CP ngày 23.8.2000 của Chính phủ. Trong Nghị định 38 có quy định giảm 20% hoặc cho nợ 5 năm tiền sử dụng đất, do đó việc lãnh đạo TP Đà Nẵng quyết định chỉ giảm 10% là đã thu lãi cho ngân sách nhà nước. Do vậy, bị cáo Minh cho rằng chỉ đạo của bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.
Về điểm này, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ Nghị định 38 hướng dẫn thực hiện theo Luật Đất đai năm 1993, trong khi toàn bộ 22 nhà đất công sản mà Viện Kiểm sát truy tố ở vụ án này được xác định sai phạm tính từ 2004 đến năm 2014, được áp dụng theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Mặt khác, Nghị định 38 đã được thay thế bằng Nghị định 198 năm 2004. Theo quy định của Nghị định 198 thì những người mua tài sản nhà nước không qua đấu giá thì không được giảm tiền sử dụng đất.
Trình bày tại tòa, giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng nêu ý kiến: Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đang cho thuê để ở thì phải bán theo Nghị định 61, nếu bán theo Nghị định 61 thì người mua mới được giảm 10% giá bán với điều kiện thanh toán một lần ngay sau khi ký hợp đồng.
Trong vụ án này, bị cáo Trần Văn Minh đã ký ban hành Quyết định số 8712 ngày 1.11.2007 có quy định: “Đối với nhà đất thuộc sở hữu nhà nước hiện do các tổ chức, cá nhân đang thuê ở, khi được UBND thành phố phê duyệt quyết định bán nhà và chuyển quyền sử dụng đất theo diện công sản, nếu nộp tiền 1 lần trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký quyết định bán thì được giảm 10% tiền sử dụng đất (không giảm tiền nhà)”. Theo giám định viên tư pháp của Bộ Xây dựng, nội dung này là trái với Nghị định 61.
Tương tự ý kiến của Viện Kiểm sát, giám định viên Bộ Xây dựng cho biết: Nghị định 38 năm 2000 của Chính phủ quy định về thu tiền sử đụng đất, hết hiệu lực từ tháng 10.2004. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 198 thay thế Nghị định 38, quy định về thu tiền sử dụng đất, trong đó không quy định về miễn giảm tiền sử dụng đất như trường hợp mua bán nhà đất mà thành phố Đà Nẵng đã áp dụng.
Giám định viên Bộ Xây dựng cũng đã trích dẫn nội dung Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21.10.2008 sửa đổi bổ sung Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg (ban hành ngày 19.1.2007) của Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 140 quy định về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã quy định về 3 trường hợp được bán chỉ định, gồm: Hết thời hạn thông báo đấu giá, mà chỉ có 1 tổ chức, cá nhân đăng ký; Trong trường hợp xã hội hóa, vì mục đích giáo dục, y tế, thể dục thể thao…; Tổ chức, cá nhân đang thuê của cơ quan quản lý nhà nhà nước, nhưng nhà đất đó phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và theo phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các công ty có chức năng cho thuê nhà đất đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Cụ thể trong vụ án này, giám định viên kết luận: UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất mà đã bán chỉ định cho tổ chức, cá nhân đang thuê là trái với quy định của Quyết định 140/2008/QĐ-TTg.
Ngày 5.1, phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo.
Theo TTXVN