Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga khai khi có tin Bộ GDĐT sẽ kiểm tra, Phó Giám đốc Sở GDĐT Trần Xuân Yến tới nhà bảo tải phần mềm trên mạng về để xóa sạch dữ liệu...
>> 'Việc nhờ vả rất thường tình, anh em quan tâm thì giúp thôi'
>> Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang chính là 'anh Q' được nhờ vả khi lãnh đạo sở 'làm khó'?
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga trong phiên xét hỏi sáng 16.10
Sáng 16.10, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại Sơn La quay trở lại thẩm vấn các bị cáo đã được xét hỏi chiều hôm trước. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố, thừa nhận cả việc nhận tiền để nâng điểm thi.
Những chuyến xe chở bài thi về nhà sửa trong đêm
Lời khai của các bị cáo tại tòa cho thấy cả một kế hoạch tinh vi sửa bài thi đã được vạch ra từ trước và được thống nhất từ phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) cho đến chuyên viên và cả cán bộ công an làm nhiệm vụ trong kỳ thi. Mỗi người một vai trò và thực hiện rất chuyên nghiệp, từ sửa bài thi đến xóa dấu vết để tránh bị phát hiện.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở GDĐT Sơn La, khai tại tòa cho thấy bị cáo là "đầu mối" tiếp nhận danh sách các thí sinh được nâng điểm. Một mình bị cáo Nga nhận "đặt hàng" đến 39 thí sinh.
Bà Nga cho biết do những năm trước làm trong tổ chấm thi nên hiểu rõ chỉ có thể xóa đáp án sai điền lại hoặc điền toàn bộ vào bài thi để trống thì mới nâng được điểm bài thi trắc nghiệm. Trước khi diễn ra kỳ thi khoảng nửa tháng, bị cáo Trần Xuân Yến, phó giám đốc Sở GDĐT đã trao đổi ý đồ này với Nga.
"Bị cáo không tự nhiên trao đổi mà được anh Yến hỏi có một số trường hợp con cháu trong sở và trường hợp của sếp, ở đây là ông Hoàng Tiến Đức cần nâng điểm", bà Nga trình bày.
Bà Nga trao đổi kế hoạch sửa bài thi với bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng), Đỗ Khắc Hưng (nguyên trung tá), Đặng Hữu Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng Khảo thì và Quản lý chất lượng giáo dục)…
Các bị cáo đã thống nhất sẽ cùng nhau rút bài thi các môn trắc nghiệm mang ra ngoài khu vực chấm thi để sửa nâng điểm rồi trả về vị trí cũ, xóa file ảnh đã quét và quét lại file ảnh mới.
Bị cáo Đặng Hữu Thủy trong phiên toà sáng 16.10
Bị cáo Nga khai, chiều 29.6, sau khi hết giờ làm việc gặp Hưng nhờ mở cửa, rút bài thi mang về nhà Đặng Hữu Thủy. Tại đây Nga cùng các bị cáo sửa bài đến 11h đêm. Khoảng 12h đêm, bị cáo Hưng lấy xe đưa các bị cáo và bài thi quay trở lại điểm thi.
Tiếp tục, tối 30.6, các bị cáo quay trở lại điểm thi mở cừa phòng rút bài thi và dùng ôtô vận chuyển đến nhà riêng của Thủy. Việc sửa bài thi diễn tại phòng ngủ của bị cáo Thủy.
"Theo quy định quy chế thì tất cả bài thi quét xong phải niêm phong nhưng các bị cáo không thực hiện, việc này được anh Yến đồng thuận. Việc sửa bài thi thống nhật thực hiện ở nhà anh Thủy vì sợ sửa tại sở thì bị lộ", Nga khai.
Các bị cáo Nga, Huynh và Thủy đều khai, trong lúc đang sửa bài thi thì Huynh nhận được điện thoại từ ông Nguyễn Minh Khoa, nguyên Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Sơn La "đặt hàng" sửa bài thêm một thí sinh. Huynh đã đọc thông tin cho Thủy ghi lại và sửa bài thi.
Bị cáo Nga khai các biên bản cũng được lập khống, vì theo quy định ngay khi quét xong file ảnh bài thi phải niêm phong nhưng thực tế là sau khi hoàn tất việc sửa bài thi ngày 4.7.2018 mới thực hiện niêm phong.
Nga còn khai: "Khi có thông báo bộ sẽ lên kiểm tra, anh Yến gọi đến nhà bảo dữ liệu ở thùng rác trong máy tính vẫn khôi phục được. Anh Yến cho xem phần mềm trên mạng nói bị cáo tải về để xóa. Vì sợ mất dữ liệu nên bị cáo in ra 16 đĩa CD và dùng phần mềm xóa toàn bộ khu vực trống trên máy tính. Ngày 19.7, đưa cho anh Yến toàn bộ đĩa CD".
"Vì thương Nga vất vả nên bị cáo giúp cùng sửa bài thi"
Khi chủ tọa hỏi về động cơ để sửa bài thi nâng điểm, bị cáo Nga trả lời do cả nể và quan hệ cấp trên cấp dưới.
"Bị cáo không có quyền, mọi người đưa bắt buộc phải cầm danh sách và thực hiện. Quan hệ cấp trên cấp dưới, cấp trên đã đưa thì không thể không làm. Cấp trên ở đây là anh Yến, anh Hưng, chị Nhàn, anh Hà tất cả đều là cấp trên. Nếu mà bị cáo không làm thì cũng…", Nga nói đến đây và bỏ lửng câu trả lời.
"Ngoài ra bị cáo không có mục đích gì khác?", chủ tọa truy vấn.
"Bị cáo rất nể, họ nói con cháu thân thiết, người ta tự cám ơn chứ bị cáo không đòi hỏi. Người ta cám ơn mình như thế mà nhận biết mình sai, thời buổi như này bị cáo sửa bài thi quá vất vả nên người ta cám ơn thì…", Nga tiếp tục bỏ lửng câu trả lời.
Trong buổi thẩm vấn chiều 15.10, bị cáo Nga khai nhận hơn 1 tỉ để nâng điểm cho 4 thí sinh.
Bị cáo Trần Xuân Yến, Nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La trong phiên xét xử sáng 16.10
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn xác nhận lời khai của bị cáo Nga về việc cùng đến nhà bị cáo Thủy sửa bài thi là đúng.
"Không ai ép buộc tôi cả. Tôi thấy chị Nga rất vất vả trong việc đó, tôi thấy thương nên đi làm giúp. Áp lực phải sửa bài thi nâng điểm đè lên chị Nga nên tôi thấy có trách nhiệm phải chia sẻ. Tổ chấm cho phép vào sửa nên tôi vào cùng. Ngày 29.6 tôi đã tham gia sửa nếu hôm sau không đi tiếp thì đồng nghiệp chê trách. Ngày 30.6 là do cả nể sếp và thấy thương chị Nga nên tôi tham gia sửa bài thi", bị cáo Sọn phân trần.
Bị cáo Đặng Hữu Thủy cũng xác nhận lời khai của bị cáo Nga là đúng. Về cá nhân mình, ông Thủy khai đã nhận thông tin của 4 thí sinh "nhờ xem điểm". "Khi có điều kiện bị cáo chủ động sửa bài thi cho các thí sinh đấy. Khi có kết quả được nâng điểm thì các gia đình có đến cám ơn bị cáo bằng tiền nhưng nó là ngoài sự mong muốn của bị cáo".
Theo lời khai tại cơ quan điều tra, ông Thủy nhận tiền của các phụ huynh gồm; bà Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên Trường THPT Tô Hiệu) 150 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng 1) 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh.
Riêng bà Bùi Thị Xuân - Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La - hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho một thí sinh sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng.
Theo Tuổi trẻ