Quy định diện tích được phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Hải Dương đang nghiên cứu, cân nhắc để đưa ra phương án tối ưu, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa bảo đảm hiệu quả quản lý đất đai.
Nhằm cụ thể hóa khoản 3, điều 178 Luật Đất đai năm 2024 về giao UBND tỉnh quy định diện tích được phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, các cơ quan tham mưu, soạn thảo văn bản của tỉnh Hải Dương đang nghiên cứu, cân nhắc nhằm đưa ra phương án tối ưu.
Theo dự thảo ban đầu Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất, chuồng trại chăn nuôi, nhà kính, nhà lưới và các nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, chăn nuôi (trên đất chuyên trồng trọt, chăn nuôi) được phép xây dựng không quá 100% diện tích đất. Riêng đất để xây dựng công trình nhà nghỉ, lán trại cho công nhân, người lao động, bảo quản nông sản, chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ và các công trình phụ trợ khác được quy định làm 2 mức. Đó là xây dựng không quá 10 m2 với diện tích đất có quy mô dưới 1.000 m2, không quá 40 m2 đối với diện tích đất từ 1.000 m2 trở lên. Quy định này được Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp từ ý kiến tham gia đóng góp của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh. Thậm chí còn có ý kiến đề nghị nâng mức diện tích được phép xây dựng công trình lên lần lượt là không quá 20 m2 và 80 m2 đối với khu sản xuất nông nghiệp có quy mô dưới 1.000 m2 và từ 1.000 m2 trở lên.
Từ năm 2007, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND quy định về quản lý và xây dựng nhà trông coi trên đất chuyển đổi. Trong đó quy định diện tích vùng chuyển đổi phải từ 1.000 m2 trở lên mới được phép xây 1 nhà trông coi với diện tích không quá 20 m2. So sánh với dự thảo quy định mới, phạm vi điều chỉnh của quy định cũ chỉ là đất chuyển đổi, còn đất nông nghiệp mang nội hàm rộng hơn. Những điều kiện, tiêu chí để được xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp cũng chặt chẽ hơn. Việc xây dựng phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, công trình được xây từ vật liệu lắp ghép đơn giản, không sử dụng vào mục đích để ở, chỉ được phép xây 1 tầng, không có tầng hầm, có biện pháp bảo vệ môi trường, cam kết tự nguyện tháo dỡ theo quy định. Bên cạnh đó, dự thảo mới đề cập tới diện tích đất nông nghiệp được sử dụng làm nhà màng, nhà lưới và đất chăn nuôi tập trung. Đây là điểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh.
Thực tế, khi áp dụng Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND đã xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan trên đất chuyển đổi. Nhiều hộ lợi dụng, “lách” quy định để xây nhà ở to đẹp. Theo số liệu tổng hợp từ UBND các huyện, thành phố, thị xã vào đầu năm 2023 thì toàn tỉnh có hơn 25.000 công trình xây dựng trên đất chuyển đổi. Nhiều công trình vi phạm, chủ yếu là xây dựng nhà trông coi quá quy mô cho phép, sử dụng nhà trông coi vào mục đích để ở. Những vi phạm xây dựng công trình trên đất chuyển đổi đã dẫn đến hệ lụy trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án.
Cân nhắc những vấn đề trên và tiếp thu các ý kiến phân tích, đánh giá sau 2 phiên họp UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất tiếp tục kế thừa quy định tại Quyết định số 1654/2007/QĐ-UBND, được phép xây dựng công trình không quá 20 m2 ở khu đất nông nghiệp có diện tích 1.000 m2 trở lên. Ngoài ra còn điều chỉnh kết cấu vật liệu xây dựng là chỉ cấm với bê tông, cốt thép. UBND tỉnh đã cơ bản thống nhất với phương án này và yêu cầu phải làm rõ được việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, tránh hiểu nhầm sang xây dựng công trình để ở và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Đồng thời quy định rõ các loại đất cụ thể nào của đất nông nghiệp thì áp dụng quy định này. Diện tích xây dựng công trình phải tạo thuận lợi cho chính quyền cơ sở và cấp huyện quản lý, phù hợp mục đích sản xuất nông nghiệp.
Điều này cho thấy UBND tỉnh đã cân nhắc, xem xét thấu đáo trước khi đưa ra quyết định.
HOÀNG LINH