Geleximco cùng đối tác Trung Quốc vừa gửi văn bản đến Thủ tướng muốn xây dựng sân bay theo hình thức đối tác công tư (PPP) "hiện đại và văn minh" mà giá thấp.
Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được Tổ tư vấn kiến nghị chọn làm
phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV
Cụ thể, ông Vũ Văn Tiền, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco và ông Chen Yi Long, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) của Trung Quốc, đề xuất Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc cho phép đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức PPP.
Nhà đầu tư Trung Quốc cam kết giá thấp nhấtTự giới thiệu có kinh nghiệm và có khả năng thu xếp nguồn vốn cho dự án, lãnh đạo hai doanh nghiệp này cam kết xây đựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện đại và văn minh.
Về tiến độ xây dựng, hai nhà đầu tư một Việt Nam, một Trung Quốc này đưa ra là 3-5 năm với "giá thành đầu tư thấp nhất cho một sân bay mới hiện đại".
Trong văn bản gửi tới Thủ tướng, lãnh đạo Geleximco giới thiệu họ có mối quan hệ chặt chẽ với KAIDI Dương Quang trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng và vận hành các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.
Tập đoàn này cũng nói rằng mình có mối quan hệ với các quỹ đầu tư lớn như Tập đoàn Quản lý tài sản Hoa Dung Trung Quốc (Hoa Dung) là một công ty nhà nước với tổng tài sản đạt trên 250 tỉ USD hay Công ty TNHH cổ phần Đầu tư Dân Sinh, IDG...
Đến nay Geleximco và đối tác đã thành lập một Quỹ đầu tư trị giá 15 tỉ USD và bắt đầu giải ngân giai đoạn đầu khoảng 6 tỉ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên đại gia Vũ Văn Tiền muốn cùng đối tác Trung Quốc đề xuất tham gia xây dựng sân bay Long Thành.
Hồi tháng 10.2016, Geleximco và Công ty TNHH Hong Kong United Investors Holding (HUI) cũng đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép tham gia đầu tư vào 4 dự án hạ tầng giao thông lớn, trong đó có sân bay Long Thành.
Ba dự án còn lại gồm Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Nam đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh và TP.HCM đến Khánh Hòa, Dự án đường bộ cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái và Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Thời điểm đó, trong tổng vốn ước tính đầu tư của cả 4 dự án này là gần 50 tỉ USD, liên doanh Geleximco - HUI của ông Vũ Văn Tiền chưa đề cập đến mức độ đầu tư bao nhiêu, chỉ nói rằng họ có mối quan hệ với các quỹ tài chính lớn.
Sân bay Long Thành: Ai cũng có quyền đề xuất tham giaĐề xuất xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Geleximco và KAIDI đã được Văn phòng Chính phủ gửi tới Bộ Công thương, Bộ Giao thông - vận tải xem xét.
Trao đổi Tuổi Trẻ Online về đề xuất này, Thứ trưởng Giao thông - vận tải Lê Đình Thọ cho biết bộ hoan nghênh các nhà đầu tư quan tâm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Dự án sân bay Long Thành, theo ông Thọ, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia.
Ở thời điểm hiện tại, ông Thọ cho biết Bộ Giao thông - vận tải đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư.
Chính vì thế các bên cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo.
Các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, căn cứ nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt để đề xuất những phương án cụ thể hơn.
Theo chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua, tổng mức đầu tư khái toán là 336.630 tỉ đồng (tương đương 16,03 tỉ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỉ đồng (tương đương 5,45 tỉ USD).
Phần sử dụng vốn ngoài ngân sách được tính toán sẽ chiếm khoảng 62,4% tổng mức đầu tư, trong đó có phần PPP cho các hạng mục công trình có khả năng thu hồi vốn cao như nhà ga hành khách, ga hàng hóa, các hạng mục thương mại...
Đầu tư 5 nhà máy nhiệt điện
Trong văn bản trên, lãnh đạo Geleximco và KAIDI cũng đề xuất với Thủ tướng đồng ý về mặt nguyên tắc để hai tập đoàn này đầu tư 5 dự án nhà máy nhiệt điện.
Cụ thể đó là nhà máy Quỳnh Lập 1 (công suất 2x600 MW), Quỳnh Lập 2 (công suất 2 x 600 MW), Quảng Trạch 1 (công suất 2 x 600 MW), Quảng Trạch 2 (công suất 2 x 600 MW) và nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 (công suất 2 x 600 MW).
Theo đề xuất của Geleximco và KAIDI, 5 dự án nhiệt điện trên được đề xuất theo hình thức PPP, trong đó tỉ lệ cổ phần doanh nghiệp nhà nước nắm 20%-25%, còn lại do Geleximco và KAIDI đầu tư.
Lãnh đạo Geleximco và KAIDI cho biết họ đã nghiên cứu dự án khả thi cho các nhà máy trên và đề nghị Thủ tướng phê duyệt.
Công ty liên doanh có thể khởi công ngay các dự án trên đảm bảo các yêu cầu "công nghệ máy móc, thiết bị hiện đại nhất trên thế giới", "công nghệ xử lý môi trường theo tiêu chuẩn cao nhất".
Hai đối tác này vừa bảo đảm tiến độ xây dựng lại vừa bảo đảm hiệu quả đầu tư cao cho các nhà máy.
TUẤN PHÙNG (Tuổi trẻ)