Xe tự chế vẫn nhởn nhơ

01/11/2014 05:29

Thiếu phương tiện thay thế phù hợp, thiếu kinh phí đầu tư phương tiện mới nên tình trạng sử dụng công nông, xe tự chế tham gia giao thông còn diễn ra phổ biến.




Người dân thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) vẫn sử dụng xe công nông làm phương tiện vận chuyển.
Ảnh chụp ngày 27-10

Nhan nhản vi phạm

Xã Long Xuyên (Bình Giang) có nghề xay xát gạo và dịch vụ vận tải phát triển nên trên tỉnh lộ 394 đoạn qua địa bàn xã thường xuyên xuất hiện các xe công nông "đầu dọc" lưu thông. Chỉ khoảng 30 phút có mặt tại đây, chúng tôi thấy hàng chục chiếc xe công nông, xe ba bánh, xe tự chế, xe kéo đang bốc dỡ hàng và vận chuyển hàng hóa trên đường. Do đã đưa vào sử dụng từ nhiều năm nay nên bất chấp lệnh cấm, những chiếc xe công nông, tự chế vẫn là phương tiện chuyên chở không thể thiếu của người dân nơi đây. Hiện nay, toàn xã vẫn còn tới 17 chiếc xe công nông và 3 chiếc xe tự chế chủ yếu vận chuyển gạo và vật liệu xây dựng. Các xe thường chở hàng cồng kềnh, ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông khác và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Ông Vũ Xuân Cường, Trưởng Công an xã Long Xuyên cho biết: “Thời gian qua, chính quyền xã đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể vận động người dân không sử dụng xe tự chế, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn. Công an xã không có chức năng và thẩm quyền xử phạt vi phạm này. Trong khi đó, đại đa số người vi phạm lại có hoàn cảnh khó khăn nên việc chuyển đổi phương tiện khó khả thi”.

Thu nhập hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống nên không có vốn mua ô-tô. Để tránh cơ quan chức năng, tôi chỉ vận chuyển trong địa bàn xã, huyện hoặc chọn thời điểm không có cảnh sát giao thông kiểm tra.
Tứ Kỳ là một trong những địa phương mạnh tay trong xử lý xe tự chế. Những xe vi phạm cũng đã bị tháo dỡ, bán thanh lý phế liệu, sung công quỹ. Tuy nhiên, từ tháng 7 đến nay, huyện mới tịch thu được 5 xe tự chế. Đại úy Trương Tiến Quỳnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động (Công an huyện) cho biết: “Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 200 xe tự chế. Bên cạnh những hộ chuyển đổi sang phương tiện khác vẫn còn những trường hợp cố tình điều khiển loại phương tiện này tham gia giao thông. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát giao thông còn mỏng nên mới chủ yếu thực hiện tuần tra, kiểm soát trên những tuyến đường tỉnh”.


 Qua tìm hiểu, hiện lực lượng chức năng tại đa số các địa phương đều đang thực hiện tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu chủ phương tiện ký cam kết không vi phạm. Việc xử lý tịch thu vẫn chưa nhiều so với số lượng phương tiện xe tự chế đang lưu thông.

Cần phương tiện thay thế phù hợp

Hiện nay, một chiếc xe ba bánh có giá 50 - 60 triệu đồng, một chiếc xe công nông "đầu dọc" khoảng 20 triệu đồng. Còn xe kéo thì chỉ cần có sẵn một chiếc xe máy, gia công thêm phần thùng chở hàng là đã có thể sử dụng được. Trong khi đó, một chiếc xe ô - tô có tải trọng 0,5 tấn rẻ nhất cũng gần 200 triệu đồng.

Trong điều kiện hiện nay, khi việc vận chuyển vật liệu xây dựng bằng xe tự chế vừa rẻ, vừa nhàn hơn dùng sức người kéo và bằng ô-tô thì người dân vẫn sẽ lén lút sử dụng. Làm nghề chở hàng thuê 5 năm nay, anh Vũ Anh Tuấn ở xã Long Xuyên (Bình Giang) là lao động chính trong gia đình, mỗi tháng thu nhập hơn 5 triệu đồng. Theo anh Tuấn, để chuyển đổi từ xe công nông sang xe ô-tô rất khó khăn. “Thu nhập hằng tháng chỉ đủ trang trải cuộc sống nên không có vốn mua ô-tô. Để tránh cơ quan chức năng, tôi chỉ vận chuyển trong địa bàn xã, huyện hoặc chọn thời điểm không có cảnh sát giao thông kiểm tra”, anh Tuấn cho biết. 

Đến nay, ông Nguyễn Đức Thụy ở thôn Chằm, xã Phương Hưng (Gia Lộc) đã có gần 10 năm làm nghề chở vật liệu xây dựng thuê, chủ yếu phục vụ bà con trong làng, xã. Cuối năm 2011, khi có quy định cấm xe tự chế lưu hành, ông Thụy đã đầu tư gần 200 triệu đồng mua ô-tô tải có tải trọng 1 tấn và thi lấy giấy phép lái xe. Chỉ một thời gian sau, việc sử dụng xe ô-tô không hiệu quả nên ông Thụy đã bán xe ô-tô và mua lại xe tự chế để tiếp tục chở hàng. Ông Thụy cho biết: “Tôi chuyên chở vật liệu xây dựng cho người dân từ đường cái vào trong làng. Nếu dùng ô-tô thì không chở được vào tận nhà cho người ta. Hơn nữa, đa số người dân sửa chữa nhà cửa, khối lượng vật liệu xây dựng không nhiều mà cứ dùng ô-tô vận chuyển thì không đủ chi phí. Do không cạnh tranh được với những chủ xe tự chế nên tôi đã chấp nhận lỗ, bán ô-tô mua xe 3 bánh về chở thuê”.

Thực tế hầu hết các chủ phương tiện tự chế đều biết rõ hành vi vi phạm của mình. Khi bị xử lý, tịch thu, họ đều nghiêm chỉnh chấp hành. Trong điều kiện kinh tế, hạ tầng giao thông hiện nay, việc sử dụng xe tự chế tiết kiệm, tiện lợi nên người dân bất chấp mất an toàn tiếp tục vi phạm.

 Để xử lý triệt để tình trạng trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm, các cơ quan chức năng cũng cần sớm nghiên cứu, đề xuất loại xe thay thế phù hợp, giúp người dân thực hiện đúng quy định của pháp luật mà vẫn đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất phục vụ cuộc sống.


Ngày 23-9-2014, UBND tỉnh chỉ đạo Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương tăng cường xử lý, tịch thu các loại phương tiện xe ô-tô hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3 - 4 bánh, xe lôi kéo, xe không đăng ký, đăng kiểm; Công an tỉnh, Thanh tra giao thông, chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương tăng cường tuần tra, phát hiện, xử lý, tịch thu các xe vi phạm. Xe bị tịch thu phải dỡ bỏ, tiêu hủy hoặc bán phế liệu sung vào công quỹ. Sau ngày 30-12-2014, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức truy thu số tiền đã hỗ trợ để chuyển đổi phương tiện, nghề nghiệp đối với các chủ phương tiện vẫn cố tình tái phạm.


 HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Xe tự chế vẫn nhởn nhơ