Xe đạp điện: Tiện ích và bất cập

17/05/2011 08:35

Trong lúc giá xăng dầu cao thì giải pháp sử dụng xe đạp điện làm phương tiện đi lại được nhiều người dân sử dụng. Tuy nhiên, chất lượng cũng như hệ số an toàn của loại phương tiện này còn nhiều điều phải bàn...


Thị trường xe đạp điện trên địa bàn thành phố đang ngày càng sôi động nhưng chất lượng
mặt hàng này vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm quản lý


Mấy năm gần đây, khi giá xăng ngày một leo thang, nhu cầu sử dụng xe đạp điện của người dân ngày càng nhiều.

Ở TP Hải Dương vào giờ tan tầm, có thể dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đạp điện bon bon trên các con phố. Đối tượng sử dụng phương tiện này chủ yếu là học sinh và người cao tuổi. Chị Nguyễn Thị Thanh ở phố Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết: Con tôi năm nay học lớp 10, trường cách nhà 4km. Nhiều hôm mưa gió, nắng nôi, thấy cháu đi học vất vả, tôi mua cho cháu chiếc xe đạp điện, giá không đắt lắm mà tiện, không mất tiền xăng, lại dễ dùng. Khi được hỏi về tiện ích của xe đạp điện bác Nguyễn Văn Hải ở phố Mạc Thị Bưởi cho biết: Tôi đã sử dụng xe đạp điện được gần 2 năm nay, loại xe này đi rất êm, tuy không nhanh bằng xe máy nhưng dùng lại an toàn hơn.

Có lẽ vì thế mà thời gian gần đây, thị trường xe đạp điện ngày càng mở rộng theo quy luật cung - cầu. Anh Phạm Tiến Long, chủ đại lý xe đạp điện Long Loan trên đường Lê Thanh Nghị, cho biết: "Hiện nay, sức tiêu thụ xe đạp điện ở Hải Dương khá lớn. Với 4 cửa hàng, trung bình, đại lý của tôi bán được 50 chiếc xe đạp điện/tháng. Các hãng xe được người tiêu dùng chuộng hiện nay là Asama, Yamaha, Giant, Honda với giá trung bình từ 6 - 8 triệu đồng/chiếc, Có loại đắt tiền lên đến trên 10 triệu đồng/chiếc”. Hàng được bày bán trên thị trường chủ yếu có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản, được nhập linh kiện từ nước ngoài và lắp ráp trong nước.

Thị trường xe đạp điện ngày càng được mở rộng. Trong khi việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của mặt hàng này lại chưa được cơ quan chức năng thực hiện. Người tiêu dùng khi lựa chọn thường không thể phân biệt được hàng thật, hàng giả dẫn đến tâm lý băn khoăn, hoài nghi về chất lượng của sản phẩm. Khi xe đạp điện bị hỏng, chi phí để mua linh kiện thay thế rất đắt. Cụ thể,  một chiếc xe đạp điện phải sử dụng ít nhất 3 bình ắc quy với giá trung bình 400 nghìn đồng/bình, mỗi lần thay thế ắc quy cho một chiếc xe đạp điện phải tốn hơn 1 triệu đồng. Giá linh kiện đắt nhưng chất lượng có bảo đảm hay không thì người dân rất khó thể kiểm tra được. Một chủ cửa hàng sửa chữa xe đạp điện ở phố Bắc Kinh (TP Hải Dương) cho biết: Trung bình một tháng, cửa hàng tôi sửa cho 50 chiếc xe đạp điện, xe máy điện bị hỏng. Nhiều khách hàng ở các huyện lân cận cũng mang xe lên sửa. Xe chủ yếu bị hỏng bình ắc quy, tay ga hoặc IC do nhiều nguyên nhân như: mua phải hàng không bảo đảm chất lượng, sử dụng, bảo quản xe không đúng cách... Ví dụ, xe đạp điện trung bình chỉ cho phép chở với trọng lượng 80 kg, nhưng thực tế, nhiều khi phải chở 2 - 3 người. Do chở quá tải nên bình ắc quy rất nhanh hỏng.

Tính an toàn của xe đạp điện cũng là một câu hỏi lớn. Nhiều loại xe đạp điện hiện có thể chạy với tốc độ lên đến 35km/h, tương đương với vận tốc trung bình của một chiếc xe máy. Trong khi bộ phanh xe đạp điện chỉ bảo đảm an toàn khi xe chạy với vận tốc tối đa là 25 km/h. Thực tế cho thấy, nhiều xe đạp điện chạy trong thành phố với vận tốc 25 - 30 km/h. Với tốc độ chạy như vậy, độ an toàn của bộ phanh không cao, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Theo khoản 2, điều 31 Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực ngày 1-7-2009 quy định: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách. Nhưng hiện nay, hầu như những người sử dụng xe đạp điện khi tham gia giao thông đều không đội mũ bảo hiểm. Các cơ quan chức năng vẫn bàng quan với những vi phạm này và người sử dụng xe đạp điện thì cứ “thản nhiên” vi phạm.

ĐINH THÌN

Để xe đạp điện thực sự trở thành phương tiện giao thông an toàn, tiện ích, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra chất lượng mặt hàng này, đồng thời đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn lựa chọn, sử dụng phương tiện một cách an toàn, hiệu quả. Lực lượng cảnh sát giao thông cần nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm, nhất là không đội mũ bảo hiểm khi xe đạp điện tham gia giao thông. Các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với gia đình, nhà trường tổ chức tuyên truyền ý thức chấp hành an toàn giao thông cho các em học sinh - đối tượng chủ yếu sử dụng xe đạp điện hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xe đạp điện: Tiện ích và bất cập