Từ bao đời nay, nhân dân ta rất cần cù lao động, bởi họ hiểu rằng "Có làm thì mới có ăn/ Không dưng ai dễ mang phần đến cho" (ca dao), hoặc "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ" (tục ngữ).
Truyền thống ấy được thể hiện rất rõ trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cả thời bao cấp nữa. Những ngày quân Pháp còn chiếm đóng trên quê hương, nhiều vùng, người nông dân phải cày, bừa, cấy, gặt vào ban đêm. Có vùng quân Pháp càn quét, chúng nhằm trâu bò mà giết hại, chúng phá nông cụ. Nông dân phải kéo cày thay trâu. Việc kéo cày, kéo bừa thay trâu có ở khắp nơi. Khẩu hiệu của họ là "Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm". Sang kháng chiến chống Mỹ vẫn thế, lại còn thêm khẩu hiệu "Mỗi người làm việc bằng hai". Những ngày mùa thì bộ đội, công nhân, học sinh đổ về nông thôn gặt giúp dân để giữ lấy hạt thóc. Hạt thóc lúc ấy quý lắm. Cả một xã hội lao động từ già đến trẻ, từ cán bộ tới nhân dân. Tất cả lao động vô tư, bình đẳng và hăng say. Lúc ấy, người nào có ý định trốn tránh lao động hoặc khi làm thì điệu đà, ưỡi ợt đều bị đánh giá, bị phê bình. "Lao động là vinh quang" là câu cửa miệng của mọi người thời bấy giờ.
Có người bảo tôi rằng:"Thời nào phải theo thời ấy". Nói thế không sai nhưng "thời" là do con người tạo ra, mà con người tạo ra thì có cái đúng, có cái sai. Vả lại thời trước, cả xã hội ta là xã hội lao động chẳng lẽ là sai, là xấu hay sao? Muốn thời nào thì thời, con người không chịu lao động là không chấp nhận được. Đó là chân lý.
Trong xã hội, nông dân vẫn được coi là người cần cù lao động nhất. Nhưng nay, không thiếu nhà nông bỏ ruộng (tất nhiên có lý do nhưng họ đổ cho khách quan là chính). Quá trình làm ruộng thì cày, bừa, gặt, tuốt lúa... đều thuê. Nước thì có máng tự chảy hoặc dùng máy bơm nhỏ. Giống, phân bón đã có dịch vụ lo. Thời vụ đã có sự chỉ đạo. Cả làm cỏ, trị sâu cũng dùng thuốc. Thuế nông nghiệp không phải đóng. Thuỷ lợi phí cũng miễn nốt. Nông dân ngày nay làm việc nhàn lắm. "Một nắng" thì còn chứ " Hai sương" thì không có. Nếu có ai đó tỉ mỉ ghi chép xem trong một ngày, người nông dân làm được mấy giờ. Mùa vụ bù những ngày ba tháng tám xem một năm một nông dân lao động bao nhiêu ngày công. Đặc biệt lớp nông dân mới bây giờ hình như rất ngại việc nặng, ngại bùn đất phân gio.
Công nhân thì ở những cơ sở sản xuất lớn, hiện đại, có cách quản lý chặt chẽ, người thợ thường kêu khổ, không ít người bỏ việc vì đi muộn 5 phút là bị trừ cả ngày công. Trong lao động không được nói chuyện, không được tự ý sang vị trí làm việc của nhau, rời khỏi nơi làm việc, không được mang theo bất kỳ vật gì của nơi sản xuất... Ở cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì công nhân rất thích đi muộn về sớm, lê la trò chuyện, kỹ thuật không bảo đảm nhưng ai cũng muốn có thu nhập cao.
Ở các nhà trường thì hầu như không còn lao động nữa. Từ việc quét phòng học, đóng cửa lớp... đều do bảo vệ làm. Có thời gian nhà trường cho học sinh đóng tiền trừ vào các buổi lao động. Dọn vệ sinh, vườn tược, hầu như học sinh không còn phải làm nữa. Họa ra trước ngày nghỉ Tết âm lịch, có một số trường cho học sinh dọn vệ sinh đường làng.
Cơ quan nhà nước cũng không còn chế độ lao động nữa. Cán bộ không những được bỏ lao động công ích mà ngày thứ 7 còn được nghỉ. Một tuần làm việc có 5 ngày. Có năm ngày nghỉ lễ, Tết trùng với thứ 7, chủ nhật nên nghỉ nhiều đến mức phát chán. Ngày làm việc ở cơ quan, có lẽ trừ trường học, bệnh viện do áp lực của học trò hoặc bệnh nhân thì không cơ quan nào làm việc đúng giờ quy định (mùa hè 7 giờ, mùa đông 7 giờ 30 sáng bắt đầu làm việc). Nhất là họp, việc khai mạc đúng giờ trở thành "của hiếm".
Đất nước ta còn nghèo. Nhân dân ta còn khó. Khẩu hiệu "xóa đói giảm nghèo" vẫn phải thực hiện ở cả nông thôn và thành thị. Vậy mà phong trào ăn chơi khá mạnh mẽ. Tiệm ăn, nhà nghỉ, mát-xa, ka-ra-ô-kê, thẩm mỹ viện, quán cà phê, vũ trường, quán bia... mọc lên san sát. Thành phố có phong trào ăn đêm, những thị trấn, thị tứ ở nông thôn có nhà máy, xí nghiệp cũng ăn đêm rất rầm rộ. Rồi đua nhau tiệc tùng, sinh nhật, mừng nhà mới, "rửa" xe ô-tô, cưới xin, đỗ đạt, lên chức... lu bù cỗ bàn.
Ai cũng biết một xã hội lao động là xã hội lành mạnh. Xã hội ăn chơi là xã hội sản sinh ra tệ nạn, nhỏ là hút chích, trộm cắp, lớn là cướp đoạt, tham nhũng...
Muốn lành mạnh hóa xã hội, ngoài những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vừa đúng đắn, hợp với lòng dân, vừa được thực thi đến nơi đến chốn, có hiệu quả thì còn một điều rất quan trọng là làm cho mọi người đều phải lao động, yêu lao động, thấy ý nghĩa cao đẹp của lao động mà cần cù lao động. Tất nhiên không thể cứng nhắc hay thô bạo nhưng tùy vào cương vị và đặc thù công việc của mình mà lao động làm ra sản phẩm cho xã hội. Không có người lười. Trong 8 giờ lao động không có giờ chết, không có giờ vô ích. Trẻ làm việc, già cũng làm việc. Người về hưu chỉ là nghỉ việc nhà nước còn làm gì lợi cho dân, cho gia đình và xã hội thì vẫn nên làm.
Gây dựng được không khí hăng say, cần cù lao động là trách nhiệm của xã hội mà trước hết là trách nhiệm của từng gia đình.