Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản: Còn nhiều rào cản

28/10/2018 06:55

Trong khi doanh nghiệp kêu khó vì thiếu nguyên liệu thì người dân lại lo ngại nếu liên kết xây dựng vùng nguyên liệu nông sản...

Vùng sản xuất tập trung là cơ sở để xây dựng các vùng nguyên liệu nông sản

Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản (NLNS) không chỉ giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu mà còn góp phần ổn định thị trường, giải bài toán tiêu thụ cho nông dân. Mặc dù vậy, vì nhiều lý do mà việc hình thành và phát triển các vùng NLNS gặp khó khăn.

Vướng nhiều phía

Là đơn vị có năng lực và uy tín trong phân phối nông sản nhiều năm song hiện nay, Công ty CP Nông sản Hưng Việt (Gia Lộc) vẫn đang loay hoay tìm nguồn cung để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là mặt hàng xuất khẩu. Dù đóng chân ở địa bàn được ví là vựa rau màu của tỉnh, thậm chí của cả miền Bắc nhưng nhiều thời điểm, công ty vẫn rơi vào cảnh "khát" nguyên liệu. Mỗi ngày, công ty thu mua khoảng 800 tấn rau, củ, quả các loại cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại 10 tỉnh, thành phố và thực hiện các đơn hàng xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... Với những đơn hàng trong nước, công ty có thể gom hàng đơn lẻ từ các hộ dân cho đủ số lượng, còn các hợp đồng xuất khẩu thì không thể làm tùy tiện vì sẽ phải đền bù lớn nếu xảy ra sai sót. Ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc công ty cho biết: "Nhiều khi bạn hàng nước ngoài tha thiết muốn hợp tác mà chúng tôi vẫn phải thận trọng cân nhắc. Những hợp đồng xuất khẩu thường mang lại lợi nhuận cao nhưng đi cùng với đó là nhiều rủi ro vì không đáp ứng được đòi hỏi từ phía đối tác về tiêu chuẩn, chất lượng nông sản. Nguyên nhân do công ty chưa có vùng NLNS ổn định để sản xuất các sản phẩm bảo đảm yêu cầu xuất khẩu".

Lấy minh chứng về việc bị Công ty CP Giống cây trồng nông sản xuất khẩu Kiên Giang (Cẩm Giàng) đưa ra nhiều lý do để từ chối thu mua cà rốt của gia đình, anh Đào Huy Du ở xã Hồng Phong (Ninh Giang) nói: "Mới đầu, khi doanh nghiệp ngỏ ý muốn liên kết, tôi rất phấn khởi vì tìm được đầu ra cho sản phẩm nhưng mọi việc lại diễn ra không như mong muốn. Khi cà rốt đến thời điểm thu hoạch, tôi liên hệ với công ty thì họ cứ khất lần rồi cuối cùng viện cớ cà rốt không đạt tiêu chuẩn nên không thu mua. Do đợi chờ doanh nghiệp mà cà rốt quá lứa, không bán được nên tôi phải nhổ cho bò ăn. Nếu như vậy thì thà gặp đâu bán đấy vẫn hơn".

Đâu là giải pháp?

Do khó xây dựng vùng nguyên liệu tại chỗ nên Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) thường xuyên phải thu mua nông sản ở tỉnh ngoài để sơ chế xuất khẩu

Xây dựng vùng NLNS là giải pháp tất yếu của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Từ lâu, Hải Dương đã hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung mang đặc trưng vùng miền như hành tỏi ở các huyện Nam Sách, Kinh Môn; rau màu ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ; cà rốt ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách. Thế nhưng những vùng sản xuất này mới chỉ thâm canh sản phẩm đồng loại chứ chưa đồng bộ kỹ thuật canh tác. Do đó mẫu mã, chất lượng nông sản không đồng đều. Đây chính là rào cản làm cho nông sản của tỉnh khó cạnh tranh và thiếu chỗ đứng trên thị trường.

Với kinh nghiệm gần 20 năm xuất khẩu nông sản, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Mai (Nam Sách) trăn trở: "Có một thực tế đáng buồn là Hải Dương có tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nông dân có trình độ thâm canh cao nhưng nhiều công ty vẫn phải sang các tỉnh lân cận để gom hàng xuất khẩu. Hàng xuất sang thị trường nước ngoài không thể bị gián đoạn trong khi đặc thù của sản xuất nông nghiệp là tính thời vụ nên mới thường xuyên xảy ra tình trạng lúc thiếu, lúc thừa nguyên liệu. Đây cũng là lý do dẫn đến giá nông sản lên xuống thất thường, khó kiểm soát. Do đó, việc xây dựng vùng NLNS là thực sự cần thiết để cả người dân và doanh nghiệp chủ động điều tiết cung cầu".

Yếu tố quan trọng quyết định tới việc xây dựng vùng NLNS là phải tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa. Song thực tế hiện nay ruộng đất vẫn nhỏ lẻ, manh mún, nông dân vẫn chủ yếu sản xuất theo thói quen. Trước thực trạng này, đã có nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân để không bị động về nguồn hàng nhưng do thiếu ràng buộc chặt chẽ và chưa bảo đảm lợi ích giữa các bên nên nhiều liên kết bị phá bỏ. "Nếu có tổ chức như các HTX dịch vụ nông nghiệp hay các đoàn thể đứng ra làm trung gian, chịu trách nhiệm về mặt pháp lý để vừa giúp doanh nghiệp thu mua, vừa củng cố niềm tin cho người dân thì việc xây dựng các vùng NLNS sẽ dễ dàng hơn", ông Tăng Xuân Trường gợi ý.

Xác định xây dựng vùng NLNS vừa để phục vụ chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, vừa tạo thuận lợi trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân hướng tới sản xuất hàng hóa. Theo đó, UBND tỉnh hỗ trợ các vùng trồng lúa, rau màu, cây ăn quả với mức cao nhất là 9,5 triệu đồng/ha. Dù hiện tại, các vùng sản xuất tập trung của tỉnh chưa bảo đảm các điều kiện về diện tích, kỹ thuật canh tác để trở thành vùng NLNS nhưng đây chính là nền tảng để tỉnh phát triển các vùng NLNS ổn định và mang lại hiệu quả lâu dài trong thời gian tới.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản: Còn nhiều rào cản