Xây dựng văn minh đô thị từ ý thức

07/11/2017 09:50

Quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếp sống của người dân ở một số nơi lại chưa thực sự bắt nhịp với sự phát triển.


Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, họp chợ ngay dưới biển cấm... là những hình ảnh khiến thành phố kém đi nét văn minh

Những hành vi không đẹp

6 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 10, tôi được anh Nguyễn Thành Đô, Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương dẫn đi thăm một số tuyến phố ở TP Hải Dương. Chỉ tay về phía người đàn ông đang xách thùng rác sinh hoạt đổ ra lề đường Lê Thanh Nghị, anh thở dài nói: “Công nhân của chúng tôi vừa mới quét dọn đường sá sạch sẽ trong đêm. Nhưng chỉ một lúc nữa là con phố sẽ lại bẩn và mất mỹ quan vì những người có hành động thiếu ý thức như bác kia còn phổ biến lắm”.

Anh Đô cho biết từ hơn 1năm nay, thay vì thu gom rác theo 2 khung giờ mỗi ngày (từ 3- 6 giờ và từ 16 - 21 giờ), Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương chuyển sang chỉ thu gom rác 1lần (từ 17 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau); đồng thời, tuyên truyền người dân đựng rác trong túi kín và chỉ tập kết rác thải sinh hoạt của gia đình ra trước cửa nhà vào khung giờ trên. Mục đích của sự thay đổi này là tạo cho cảnh quan đường phố luôn sạch sẽ, văn minh.

Vứt, xả rác bừa bãi chỉ là một trong những biểu hiện phi văn hóa rất cụ thể đang diễn ra hằng ngày nơi phố thị hay các trung tâm thị trấn, thị tứ nhộn nhịp. Không chỉ đường phố mà dưới kênh mương, trong công viên hay những điểm vui chơi công cộng cũng dễ dàng nhận thấy vỏ hộp sữa tươi, mẩu thuốc lá, vỏ kẹo cao su, vỏ bim bim, vỏ lon nước ngọt, chai nhựa… vứt rải rác khắp nơi. Trong khi đó, trên các thùng đựng rác đều có dòng chữ dễ nhìn thấy “Hãy cho tôi xin rác”, được đặt gần đó. Cảnh tượng vỉa hè dành cho người đi bộ trên nhiều tuyến phố bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán đủ các loại mặt hàng; xả rác, nước thải xuống cống rãnh ven đường, làm ô nhiễm môi trường không hiếm.

Giờ tan tầm, xe cộ từ công sở, trường học, công ty nườm nượp lao ra đường khiến giao thông ùn tắc. Nhiều người dân không chấp hành quy tắc giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu. Những vụ cãi vã, xô xát cũng vì thế mà đã xảy ra khi phương tiện của họ va chạm nhau. Một bộ phận thanh niên đi xe ra đường đầu không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, vượt ẩu. Một số người lớn tuổi cũng không tuân thủ pháp luật. Đèn đỏ tại các ngã tư vẫn còn 5 - 6 giây, nhiều người đã cho phương tiện lăn bánh. Gác chắn đã dựng tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, nhưng không ít người vẫn cố tình cho xe băng qua.

Nhiều cột điện, tường bao nơi phố thị trở nên nhếch nhác như chiếc áo bị vá vì các loại giấy quảng cáo cho vay nặng lãi, bơm hút bể phốt, xử lý chống thấm, khoan cắt bê tông, tuyển lao động…

Những hành vi nêu trên tưởng là nhỏ, nhưng nếu người dân không sớm nhận thức và nhanh chóng thay đổi thì đô thị dù có kiến trúc hiện đại vẫn thiếu văn minh.

Phải thay đổi

Tháng 6 vừa qua, có dịp vào TP Đà Nẵng, tôi được chứng kiến cảnh một người bán hàng nước dọc bãi biển nhặt từng mẩu rác nhỏ bỏ vào thùng. Hỏi ra mới biết chính quyền tạo điều kiện cho họ kinh doanh, nhưng nếu hộ nào để khu vực hàng quán của mình có rác, kê bàn ghế lộn xộn, không đúng nơi quy định, bị nhắc nhở đến lần thứ 3 sẽ bị cấm kinh doanh vĩnh viễn. Đây chỉ là một trong rất nhiều quy định cụ thể được chính quyền TP Đà Nẵng áp dụng để xây dựng đô thị sạch đẹp, văn minh.

 Có thể thấy cách làm của TP Đà Nẵng là quan tâm giải quyết từng vấn đề nhỏ và có biện pháp cụ thể để nó trở thành nếp sống của mỗi người dân.


Nhiều người dân thành thị vẫn giữ thói quen vứt rác bừa bãi và không theo giờ quy định. Đỗ Quyết

Bà Nguyễn Thị Sâm, Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cũng đồng quan điểm với cách làm này. Bà Sâm cho biết: “Ở phường tôi có nhiều gia đình sống nhờ vào hàng quán vỉa hè. Nếu ta cấm họ không được kinh doanh buôn bán e rằng sẽ ảnh hưởng đến dân sinh. Thay bằng việc cấm đoán cứ cho họ kinh doanh nhưng phải tạo ra khuôn khổ, ở đó mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, bảo vệ cảnh quan, môi trường”.

 Bà Sâm cũng cho rằng cần liên tục tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng văn minh đô thị. Từ đó xây dựng, ban hành một hệ thống các quy tắc ứng xử, những quy định cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, có sức thuyết phục để đưa mọi hoạt động của thành thị đi vào kỷ cương theo đúng pháp luật. Từ đó hình thành và dần hoàn thiện nếp sống văn minh đô thị. Những trường hợp vi phạm đã có chế tài xử phạt thì phải làm thật nghiêm.

TP Hải Dương có 21 xã, phường nhưng chỉ có duy nhất xã An Châu thực hiện tốt các quy định trong phân loại, xử lý rác. Hầu hết các gia đình ở đây đổ rác đúng giờ, để rác trong túi nilon và không đổ rác bừa bãi. Thành công này có được là do chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm của An Châu nên được nhân rộng.

Thay đổi trong cách ứng xử của người dân để xây dựng đô thị ngày càng văn minh không thể trong một sớm một chiều. Nhưng nếu hệ thống chính trị thực sự quyết tâm cộng với mỗi người tự giác nâng cao ý thức thì môi trường cũng như văn hóa đô thị sẽ ngày càng tiến bộ, góp phần xây dựng con người mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

BÌNH MINH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng văn minh đô thị từ ý thức