Theo các chuyên gia về quản lý đô thị, chúng ta chưa có một chính quyềnđô thị đúng nghĩa. Chính quyền chưa hiểu được bản chất của đô thị,không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa...
Vỉa hè phố Thái Học 2 ngay trước cửa Điện lực Chí Linh biến thành nơi họp chợ
Nếu ai đã từng đi qua tuyến đường Thái Học 1, 2, 3, phường Sao Đỏ (Chí Linh) đoạn từ cổng sân golf Ngôi sao Chí Linh đến ngã ba Sao Đỏ sẽ không nghĩ đây là tuyến đường trung tâm của một đô thị loại 3 bởi sự lộn xộn, nhếch nhác hai bên đường. Vỉa hè vốn đã hẹp lại bị người dân lấn chiếm bày bán hàng quán, rửa xe hoặc tập kết vật liệu xây dựng. Rác sinh hoạt được người dân tập kết ngay dưới lòng đường. Thỉnh thoảng có thể bắt gặp hình ảnh những con chuột chết hoặc những túi ni lông đựng đầy rác được vứt ra đường. Do vỉa hè đã bị lấn chiếm, hàng ngàn sinh viên và người dân tràn xuống lòng đường vào giờ tan tầm. Nhiều xe máy chở 3, chở 4 lạng lách đánh võng, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm, nhưng không hề thấy sự nhắc nhở của cảnh sát giao thông. Đoạn đường này trở nên hỗn loạn, việc đi lại của người dân không theo bất cứ một trật tự nào.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiến, Phó Chủ tịch UBND phường Sao Đỏ cho biết: "Từ khi thị xã Chí Linh được nâng cấp lên đô thị loại 3, phường Sao Đỏ cũng được thành lập trên cơ sở các tuyến phố chính của thị trấn Sao Đỏ trước kia. Từ khi được nâng cấp, bộ mặt của phường đã có nhiều khởi sắc. Kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh khiến những mặt hạn chế của nó ngày càng bộc lộ rõ nét". Ở các phường, xã khác của thị xã Chí Linh, tình trạng xả rác tràn lan, ô nhiễm môi trường như bụi, tiếng ồn, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường... diễn ra khá phổ biến.
TP Hải Dương từ khi nâng cấp lên đô thị loại 2 không gian đô thị được mở rộng, quy mô dân số và diện tích tăng. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư xây dựng. Trong lĩnh vực văn hóa đô thị, trật tự xây dựng, trật tự vỉa hè, lòng đường, vệ sinh đường phố, ngõ xóm có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng vi phạm luật giao thông giảm, rác thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển nhanh, không để tồn đọng. Trật tự quảng cáo bước đầu được chấn chỉnh.
Tuy nhiên, ông Bùi Dương Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TP Hải Dương cho rằng kết cấu hạ tầng của thành phố còn thiếu đồng bộ, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước, bụi và tiếng ồn ngày một gia tăng. Quản lý trật tự đô thị, giao thông, xây dựng, vệ sinh môi trường chưa chặt chẽ. Tình trạng xây dựng sai quy hoạch, sai giấy phép vẫn xảy ra thường xuyên. Trật tự hè phố chưa đi vào nền nếp, tình trạng tái lấn chiếm hè phố để kinh doanh, buôn bán vẫn diễn ra thường xuyên.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức của người dân sống trong các đô thị chưa cao, chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Mặc dù là cư dân đô thị, nhưng người dân vẫn mang tâm lý và suy nghĩ của người nông dân với cách hành xử vô tội vạ, không tuân thủ pháp luật. Vấn đề văn hóa trong ứng xử với môi trường, với xã hội bị coi nhẹ, người dân không hiểu được vấn đề sống còn là môi trường sống. Môi trường ở đây không chỉ gói gọn trong rác, nước thải, bụi bẩn hay tiếng ồn mà còn bao hàm cả vấn đề môi trường xã hội, tức là cách đối xử giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với xã hội. Sự bàng quan, cách hành xử không tuân theo luật của người dân thể hiện ở việc xả rác bừa bãi, đổ trộm phế thải, không tuân thủ luật giao thông, tạo tiếng ồn quá to...
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh sự ô nhiễm rác thải, nguồn nước, không khí và tiếng ồn là sự thay đổi về lối sống của người dân. Các tệ nạn xã hội phát triển, sự gắn kết cộng đồng lỏng lẻo và thái độ bàng quan của người dân trước những vấn đề chung của đô thị. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng ý thức trách nhiệm và năng lực quản lý của chính quyền địa phương lại không theo kịp với sự phát triển đó.
Theo các chuyên gia về quản lý đô thị, chúng ta chưa có một chính quyền đô thị đúng nghĩa. Chính quyền chưa hiểu được bản chất của đô thị, không bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa. Từ đó chính quyền không đề ra được những chính sách tổng thể đối với sự phát triển của đô thị, trong đó có việc xây dựng ý thức của người dân đối với môi trường sống xung quanh. Các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội không được đầu tư xây dựng đồng bộ, không tương thích với các công trình của người dân.
LÃ VỌNG