Tủ sách pháp luật điện tử ra đời là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của sách điện tử nói chung.
Người dân đến tủ sách pháp luật của xã Cổ Bì (Bình Giang) thưa dần
Việc xây dựng tủ sách pháp luật (TSPL) điện tử là xu thế tất yếu nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần khắc phục tình trạng lãng phí, kém hiệu quả của các TSPL cấp xã hiện nay.
Theo thống kê của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có 273 TSPL đặt tại các xã, phường, thị trấn, nhiều nơi xây dựng được 2-3 TSPL. Tuy nhiên, TSPL hiện vận hành theo phương thức cũ đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Đa số TSPL đều “ế ẩm”, vắng bóng người đọc. Bình quân, mỗi TSPL có dưới 50 lượt người đến đọc và mượn tài liệu mỗi năm. Trong số này chủ yếu là cán bộ, công chức, rất ít người dân đến đọc.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Văn Thơm, Trưởng Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết văn hóa đọc của người dân chưa phát triển; hơn nữa, các loại sách, tài liệu pháp luật khô khan, khó đọc, khó nhớ nên không thu hút được nhiều người. Trong khi đó, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, người dân có nhiều kênh để tiếp cận pháp luật nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Ông Phạm Văn Mạnh, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Cổ Bì (Bình Giang) cho biết trước đây, khi mới có TSPL, cán bộ, công chức, người dân trong xã thường đến đọc, tra cứu tài liệu, văn bản pháp luật liên quan đến đất đai, hôn nhân gia đình… Nhưng gần đây, số người đến với TSPL của xã thưa dần.
Theo ông Mạnh, thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại thông minh là có thể dễ dàng tìm hiểu mọi thứ trên mạng, trong đó có các văn bản, tài liệu pháp luật. “Đọc sách có khi phải xem lần lượt từ đầu đến cuối mới nắm được nội dung nhưng tìm kiếm trên mạng chỉ cần gõ đúng từ khóa sẽ hiển thị ngay những thứ mình cần”, ông Mạnh nói.
TSPL điện tử ra đời là xu hướng tất yếu, phù hợp với sự phát triển của sách điện tử nói chung. Ngoài ra, mô hình TSPL điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khai thác, sử dụng sách, tài liệu pháp luật còn gắn với mục tiêu, lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử.
Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg, ngày 13.3.2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác TSPL đã nêu những quy định về TSPL điện tử quốc gia. Theo đó, TSPL điện tử quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và quản lý thống nhất, được vận hành, khai thác, sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc theo hướng tích hợp với cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật của tổ chức, cá nhân.
TSPL điện tử quốc gia có các dữ liệu thành phần về sách, tài liệu pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cập nhật, quản lý trên cơ sở tài khoản và phân quyền quản lý được giao. Dự kiến sẽ đưa TSPL điện tử quốc gia vào vận hành, sử dụng từ năm 2021; việc tra cứu, khai thác sách, tài liệu pháp luật miễn phí.
Khẳng định sự cần thiết phải thay đổi trong công tác quản lý, khai thác TSPL, xây dựng TSPL điện tử, song ông Ngô Trọng Tưởng, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Gia Lộc nêu quan điểm, trước mắt vẫn nên tiếp tục duy trì song song cả TSPL truyền thống và TSPL điện tử bởi không phải người dân nào cũng đủ điều kiện tiếp cận TSPL điện tử.
Theo ông Tưởng, để TSPL điện tử vận hành hiệu quả, cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân. Xây dựng đội ngũ cán bộ vận hành, quản lý cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, am hiểu về công nghệ thống tin, sẵn sàng giải thích, hướng dẫn cho người dân. Ngoài ra, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để các địa phương đều có điều kiện sử dụng, ứng dụng TSPL điện tử.
HÀ NGA