Theo tôi, việc quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống là hết sức quan trọng.
Những năm qua, tôi thấy tỉnh đã có một số chính sách hỗ trợ giúp bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống như đầu tư cơ sở hạ tầng, triển khai chương trình đào tạo nghề, truyền nghề, xử lý chất thải bảo đảm môi trường... Đặc biệt, việc triển khai loại hình du lịch làng nghề ở một số địa phương trong tỉnh đã và đang giúp các làng nghề truyền thống có cơ hội quảng bá và tiêu thụ thêm nhiều sản phẩm.
Qua nghiên cứu Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tôi thấy nhiệm kỳ tới tỉnh đã xác định rõ mục tiêu hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu sản phẩm; thực hiện chính sách khuyến công cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.
Theo tôi, việc quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các làng nghề truyền thống là hết sức quan trọng. Bởi các sản phẩm truyền thống làng nghề vươn ra thế giới với chỉ dẫn xuất xứ "Made in Vietnam" cần có sự đầu tư bài bản và cách làm sáng tạo của các làng nghề. Những người làm nghề truyền thống như chúng tôi mong muốn trong nhiệm kỳ tới tỉnh hỗ trợ đào tạo kiến thức về xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm chủ lực, đẩy mạnh chống hàng giả, hàng nhái nhằm hỗ trợ làng nghề bảo vệ thương hiệu. Quan tâm hỗ trợ người làm nghề tiếp cận công nghệ, kết nối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Tỉnh cũng nên có chính sách hỗ trợ nâng cao tay nghề, đào tạo các lớp thợ giỏi. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các hộ, doanh nghiệp ở làng nghề tăng năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
PHẠM THỊ HÒA
Nghệ nhân làng nghề thêu ren Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ