Xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nếp cái hoa vàng Kinh Môn

16/12/2011 07:55

Hiện nay gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được biết đến là một nông sản hàng hóa giá trị, có tính cạnh tranh cao trên thị trường.



Nông dân xã An Phụ thu hoạch lúa nếp cái hoa vàng


Huyện Kinh Môn có ưu thế về điều kiện tự nhiên, đất đai thổ nhưỡng thích hợp gieo cấy lúa nếp cái hoa vàng. Gạo nếp ở Kinh Môn thơm, ngon. Gạo đều hạt, không gẫy, tỷ lệ tấm thấp, hàm lượng prô-tê-in và một số a-xít a-min cao, khi nấu lên hạt trong và ráo, mềm nhưng không nát, ăn vừa thơm lại đậm đà... Tuy nhiên, do chưa chú trọng áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất lúa nếp cái hoa vàng nên năng suất lúa thấp và bị lẫn giống do trồng cùng vùng, cùng thửa với nhiều giống nếp khác, dẫn đến chất lượng gạo giảm.

Trước thực trạng này, năm 2006, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam kết hợp với UBND huyện Kinh Môn khôi phục giống nếp cái hoa vàng địa phương. Năm 2008, Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng được thành lập. Hiện nay, hiệp hội có 376 thành viên, 25 ha gieo cấy ở 3 xã An Phụ, Phạm Mệnh, Long Xuyên. Từ đó, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được khôi phục, phát triển và trở thành đặc sản hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn bày bán không có bao bì, nhãn hiệu. Việc quản lý chất lượng sản phẩm còn buông lỏng nên người tiêu dùng khó phân biệt giữa gạo nếp cái hoa vàng với các loại gạo nếp khác. Do đó, năm 2010, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện dự án: xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: xây dựng cơ sở khoa học cho việc lập hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu tập thể; xây dựng hệ thống văn bản và công cụ làm cơ sở để tổ chức quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể; xây dựng hệ thống quảng bá và tổ chức các hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kiện toàn mô hình quản lý của hiệp hội trên cơ sở rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quy chế kiểm soát chất lượng sản phẩm và các kiến thức nhãn hiệu cho các thành viên trong hiệp hội. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Phát triển hệ thống nông nghiệp tiếp tục mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống mạng lưới tiêu thụ ổn định cho sản phẩm bảo hộ nhãn hiệu tập thể; hoàn tất việc lập và gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng đã cấp mã số hàng hóa cho phép Hiệp hội Sản xuất và thương mại nếp cái hoa vàng Kinh Môn được sử dụng trên bao bì sản phẩm để chỉ dẫn nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Ông Ngô Quang Sáng, Chủ tịch hiệp hội cho biết: Từ khi thực hiện dự án, sản phẩm nếp cái hoa vàng Kinh Môn tăng tính cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả thu nhập cho người sản xuất, góp phần quản lý tốt chất lượng sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, giúp người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Việc thu hoạch, bảo quản, chế biến theo một quy trình nghiêm ngặt, bảo đảm sản phẩm có  sự đồng đều về chất lượng, đồng thời toàn bộ sản phẩm sau khi chế biến sẽ được đóng gói và mang nhãn hiệu tập thể nếp cái hoa vàng Kinh Môn. Giá của gạo nếp cái hoa vàng đặc sản rất ổn định nhờ có thương hiệu và luôn cao hơn các loại gạo nếp khác.

Từ một giống lúa nếp cổ truyền của địa phương, hiện nay gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn được biết đến là một nông sản hàng hóa giá trị, có tính cạnh tranh cao trên thị trường. Việc phục tráng, quản lý và xây dựng nhãn hiệu tập thể nếp cái hoa vàng là việc làm cần thiết để sản phẩm có vị trí, vai trò và là sự lựa chọn tinh tế của người tiêu dùng, mang lại thu nhập cao cho người sản xuất.

NGUYỄN THỊ THUẬN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nếp cái hoa vàng Kinh Môn