Việc quản lý, quy hoạch đô thị của thành phố những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, xứng đáng là đô thị loại 2, đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
|
Đường 62m và cầu Lộ Cương hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhân Chính
|
Những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hải Dương lần thứ XX, thành phố đã thu hút được nhiều dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung, các khu đô thị (KĐT) mới, do đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội được cải thiện, không gian đô thị mở rộng, diện mạo thành phố ngày một khang trang. Việc quản lý, quy hoạch đô thị có nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần giữ gìn bản sắc riêng cũng như trật tự phát triển đô thị hiện đại, xứng đáng là đô thị loại 2, đô thị vệ tinh quan trọng của thủ đô Hà Nội, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho việc xây dựng, phát triển đô thị loại I trong tương lai, năm 2005, thành phố đã xây dựng quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020. Theo đó, nhiều đường phố được làm mới, nâng cấp, cải tạo, hình thành 4 KĐT, mở rộng quy mô thành phố gấp đôi so với trước đây. Đến nay, 4 KĐT đang được triển khai xây dựng với tổng diện tích hơn 600 ha, gồm KĐT mới phía đông thành phố; khu thương mại - du lịch - văn hóa và đô thị mới phía tây; khu du lịch sinh thái Hà Hải và KĐT mới phía bắc đường Thanh Niên. Trong quy hoạch tổng thể còn có dự án lớn là xây dựng kè hai bên bờ sông Thái Bình dài 14 km. Trên cơ sở quy hoạch chung đến năm 2020, thành phố đã tiến hành lập, hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị đối với các phường, nâng cấp 2 xã Tứ Minh và Việt Hòa thành 2 phường; triển khai quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố 2006 - 2020, quy hoạch cây xanh, điện chiếu sáng các tuyến phố, ngõ xóm... Đặc biệt, thành phố đã điều chỉnh địa giới hành chính, tiếp nhận 6 xã về thành phố, gồm các xã Nam Đồng, An Châu, Ái Quốc, Thượng Đạt (Nam Sách), 38 ha của thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng), các xã Tân Hưng, Thạch Khôi (Gia Lộc) và một phần thôn Ngọc Lặc, xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), nâng tổng diện tích tự nhiên lên 7.143,35 ha, dân số 279.291 người; tách các phường Thanh Bình và Ngọc Châu, thành lập thêm hai phường mới là Tân Bình và Nhị Châu, nâng tổng số đơn vị hành chính lên 21 phường, xã.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, công trình mang hiệu quả kinh tế - xã hội cao, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị như các KĐT; khu dân cư đông Ngô Quyền, Kim Lai, đường 391; các khu, cụm công nghiệp ven quốc lộ 5, ven đường Ngô Quyền; các khu văn hóa, thể thao… Đặt biệt, thành phố đã tập trung xây dựng, mở mang các tuyến phố, các trục đường vành đai, các tuyến đường sắt, đường thủy triền sông Thái Bình, sông Sặt tạo cho cảnh quan đô thị thành phố thêm sinh động, trong lành. 187 tuyến đường đô thị được mở rộng từ 5,5 đến 62 mét, với chiều dài hơn 130 km. Thành phố triển khai kè 95% bờ hồ, hào thành và cắm mốc giới hồ, hào thành nhằm ngăn chặn việc lấn chiếm dòng chảy. Nâng công suất trạm bơm tiêu úng lên 40 nghìn m3/giờ. Thành phố hiện đang tập trung hoàn thiện hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực nội thành và triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại khu công nghiệp Việt Hòa - Cẩm Thượng; xây dựng 2 nhà máy chế biến phân hữu cơ từ rác thải, công suất 170 tấn/ngày đêm. Thực hiện đóng cửa các nghĩa trang gần các khu dân cư và chôn cất tập trung về nghĩa trang nhân dân thành phố. Mở rộng diện tích các vườn hoa, công viên, cây xanh, từng bước đa dạng hóa chủng loại cây xanh và cây trang trí đô thị với diện tích 159,23 ha, bình quân 6,27 m2/người. Vận động doanh nghiệp, nhân dân đóng góp kinh phí lát vỉa hè bằng gạch tự chèn các tuyến phố. Đến nay, thành phố có hơn 70% đường đô thị đã được trải bê-tông nhựa, 80% đường liên khu, phường, xã được bê-tông, nhựa hóa; 98% đường đô thị và 95% đường liên khu, ngõ xóm có điện chiếu sáng; 95% số phòng học đạt kiên cố hóa; 99% số làng, khu dân cư có nhà văn hóa và nguồn đất xây dựng nhà văn hóa. Năm 2008, thành phố xây dựng và triển khai quy trình cấp phép xây dựng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000, trong đó tập trung giải quyết nhanh, gọn, hiệu quả việc cấp giấy phép xây dựng cho người dân, với thời hạn tối đa 15 ngày.
Trong lĩnh vực quản lý trật tự giao thông đô thị và vệ sinh môi trường, lực lượng an ninh đã ngăn chặn và giải quyết kịp thời các hiện tượng gây mất trật tự công cộng, kích động gây rối tình hình tại các dự án trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Hằng năm, thành phố bổ sung các quyết định, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý đô thị. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân và đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trật tự đô thị. Đặc biệt, thành phố đang tập trung thực hiện dự án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị giai đoạn 2010-2015, trong đó bước đầu triển khai thực hiện thí điểm trên 7 đường phố gồm: Phạm Ngũ Lão, đại lộ Hồ Chí Minh, Trần Hưng Đạo (đoạn từ ngã năm Bách hóa tổng hợp đến nút giao Tam Giang), Nguyễn Du, Quang Trung (đoạn từ ngã tư Đông Thị đến đường sắt), Thống Nhất, Bạch Đằng. Vận động các hộ dân ký cam kết bảo đảm trật tự đô thị; không xả chất thải ra đường, không tập kết vật liệu xây dựng trái phép; bảo đảm đường thông, hè thoáng, đỗ, dừng và dựng xe đúng quy định...
Từ nay đến năm 2020, TP Hải Dương phấn đấu nâng cấp từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian tới, TP Hải Dương tiếp tục mở rộng không gian về các huyện lân cận, điều chỉnh quy hoạch chung, trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch chi tiết. Tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đầu tư phát triển các công trình công cộng, khu du lịch, dịch vụ, sinh thái, cây xanh; không phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp, không chấp thuận đầu tư các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Di chuyển một số doanh nghiệp như các Công ty CP Chế tạo bơm, Máy xay, Sứ, Đá mài, Gạch Vigracera... ra khỏi trung tâm thành phố và lấy đất xây dựng các công trình công cộng. Đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý, củng cố tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực, trang bị kiến thức và phương tiện làm việc để đáp ứng nhiệm vụ quản lý đô thị theo hướng trật tự, an toàn, văn minh và hiệu quả.
NGỌC QUẾ