55 năm trước, ngày 2-4-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị nghe báo cáo kết quả Hội nghị văn nghệ sĩ lần thứ hai.
Phát biểu sau khi nghe báo cáo, Người nhấn mạnh: Cần phải rút kinh nghiệm công tác giáo dục, vì từ trước đến nay công tác này rất kém. Trong đấu tranh, đánh phải đúng và phải làm triệt để. Quần chúng ủng hộ ta. Phải củng cố công tác chi bộ ở cơ quan.
Là nhà cách mạng vĩ đại lại rất yêu văn nghệ, Bác Hồ luôn xem văn nghệ là một hoạt động tinh thần phong phú và phục vụ có hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân ta được giải phóng, thì những người văn nghệ cũng có điều kiện thuận lợi để phát triển tài năng của mình, góp phần vào công cuộc kháng chiến và xây dựng Tổ quốc”.
Để phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp cách mạng, Hồ Chủ tịch cho rằng, các vấn đề trong văn nghệ cần được nhìn nhận dưới ánh sáng dẫn đường của Đảng, phải xuất phát từ yêu cầu cụ thể của tình hình cách mạng để đáp ứng nhiệm vụ chính trị, đồng thời phải có tính giai cấp, tính nhân dân sâu sắc. Người mong muốn anh em văn nghệ sĩ phải đứng trên lập trường của giai cấp vô sản, đồng thời phải xác định rõ sáng tác văn nghệ để phục vụ quần chúng nhân dân.
Người yêu cầu đội ngũ những người làm công tác văn nghệ cần sáng tác các tác phẩm “có nội dung chân thật và phong phú”, phản ảnh đầy đủ các vấn đề xã hội và khẳng định: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau… Bên cạnh những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ… Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”.
Bản thân Bác là một tấm gương mẫu mực trong sáng tác văn nghệ. Người sáng tác nhiều thể loại văn học, từ tiểu thuyết tới truyện ngắn, từ thơ tới kịch, từ văn chính luận tới bút ký… Ở lĩnh vực nào, các tác phẩm của Người cũng đạt tới tầm nhìn thời đại, vì thế luôn mang tính thời sự và giá trị thực tiễn sâu sắc, góp phần làm cho mỗi người dân biết hướng thiện; cùng chung lưng đẩy lùi cái xấu xa, tàn bạo, phi nhân tính.
PHƯƠNG DUNG(biên soạn)