Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Phạm Mạnh Hùng đã khẳng định, mấu chốt chính nhờ sự đoàn kết, đồng thuận từ cán bộ đến nhân dân.
Trạm y tế xã đang được tập trung xây dựng
Xã An Lâm (Nam Sách) đã có những bước tiến nhanh chóng trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách Phạm Mạnh Hùng đã khẳng định, mấu chốt chính nhờ sự đoàn kết, đồng thuận từ cán bộ đến nhân dân.
Diện mạo mớiXã An Lâm có 427 ha đất nông nghiệp trong diện tích tự nhiên hơn 590 ha, dân số trên 6.650 người, phân bố tại 10 thôn. Đầu năm 2012, An Lâm được rà soát và bổ sung là 1 trong 5 xã xây dựng NTM giai đoạn 1 của huyện Nam Sách. Thời điểm ấy, nếu có ai đó "mạnh miệng” rằng 3 năm sau An Lâm sẽ hoàn thành xây dựng NTM hẳn sẽ bị xem là viển vông. Bởi lẽ, khi đó xã mới chỉ đạt được 9 trong tổng số 19 tiêu chí NTM. Đem "soi kỹ” thì những tiêu chí còn lại phải làm đều thuộc dạng khó.
Nhưng hôm nay, dọc hai bên đường ở An Lâm là những ngôi nhà mái bằng, nhà tầng khang trang. Nhiều xưởng sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, chế biến bún, bánh đa tấp nập cảnh bán, mua. Ở An Lâm còn xuất hiện những mô hình sản xuất rau sạch, trang trại chăn nuôi cho thu nhập cao. Nơi đây đang lộ ra một diện mạo mới, diện mạo của ấm no, đủ đầy. Rõ ràng, chương trình xây dựng NTM đã và đang làm thay đổi cơ bản đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn ở vùng quê này.
Yếu tố thành công Chúng tôi về xã An Lâm khi ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng thôn Cẩm Lý đang cùng bà con phá tường rào để chuẩn bị mở rộng đường làng. Ông Hải cho biết, để các tuyến đường thông thoáng, dân làng đã tự nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất để mở rộng mặt đường và “nắn” lại đường cho thẳng. Năm ngoái, dân làng đã đóng góp hơn 500 triệu đồng xây dựng xong nhà văn hóa trung tâm của thôn.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường trục chính của xã đã được trải nhựa phẳng lì, ông Khúc Văn Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã An Lâm cho biết, sau khi làm xong đường trong làng, đến nay 19 trong tổng số 31 km đường sản xuất nội đồng cũng đã được bê - tông hóa. Cả xã có hàng trăm trường hợp tự nguyện hiến tổng cộng gần 15 nghìn m2 đất để mở rộng đường thôn, xóm rộng 5 - 7m, đường nội đồng cũng rộng 5m.
Trong xây dựng NTM, trước tiên phải kể đến sự gương mẫu đi đầu của đội ngũ đảng viên trong xã An Lâm. Ban đầu, khi tuyên truyền chủ trương, vận động nhân dân cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng nhờ đảng viên hăng hái, quần chúng tích cực nên khi ban hành những chủ trương, chính sách mới hợp với lòng dân đều được nhân dân đồng thuận cao. Các tiêu chí xây dựng NTM đều được đưa ra phân tích, mổ xẻ cụ thể rồi lượng sức mình để thực hiện trên tinh thần công khai, dân chủ và minh bạch. Khi bà con hiểu được xây dựng NTM không phải là làm theo phong trào, hình thức mà là làm đẹp quê hương và phục vụ cho chính đời sống người dân thì hầu hết bà con trong thôn, xã đã nhất trí cao và hăng hái thực hiện. Đến nay, trong khoảng 45 tỷ đồng đầu tư làm cơ sở hạ tầng NTM của cả xã, có đến 1/3 là do nhân dân đóng góp, chưa kể góp công sức, hiến đất đai.
Trong xây dựng NTM, An Lâm đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã đã quy hoạch 6 vùng lúa chất lượng cao rộng 27 ha, vùng lúa lai được mở rộng, chiếm trên 31% diện tích gieo cấy, đồng thời vận động nông dân tích cực ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Gần 10 cánh đồng chua, bãi trũng cấy lúa bấp bênh phát triển mô hình kinh tế VAC hiệu quả như các khu Xi Phông (thôn Đông Lư), Cầu Còng (thôn Cẩm Lý), Xe Vàng (thôn An Lương)... Trong xã ngày càng xuất hiện thêm nhiều gia trại chăn nuôi có hiệu quả như gia trại của các ông: Lê Văn Đạt, Lê Văn Liên, Đoàn Hữu Tân, Phạm Đức Mạnh, Lê Văn Đại, Lê Văn Vỹ... Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2013 của xã đạt 113 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nông nghiệp giảm còn 31%, tiểu, thủ công nghiệp tăng thành 43 %. Ngoài nghề làm bún (thôn Lang Khê), còn có một số nghề như xây, mộc, gò, hàn... thu hút khoảng 1.000 lao động. Các khu, cụm công nghiệp xung quanh cũng thu hút 1.200 lao động trong xã. An Lâm luôn ở tốp đầu của huyện trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong phát triển giáo dục, y tế...
Tính đến đầu năm 2014, An Lâm đã đạt được 16 trong tổng số 19 tiêu chí. 2 tiêu chí còn lại (trừ tiêu chí chợ nông thôn) là trạm y tế xã với dự toán đầu tư 5 tỷ đồng đang hoàn thiện móng, khu trung tâm văn hóa thể thao xã đã giải phóng xong mặt bằng rộng 12 nghìn m2. Xã đang nỗ lực để hoàn thành trong tháng 11-2014. Như vậy, xã chỉ còn tiêu chí chợ nông thôn. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Toản tự tin khẳng định, dù khó khăn đến mấy, chúng tôi cũng sẽ về đích như đã dự kiến.
Với quyết tâm trở thành xã "về đích" sớm nhất trong xây dựng NTM của huyện Nam Sách, An Lâm đang cố gắng phát huy kinh nghiệm quý về tình làng, nghĩa xóm, sự đoàn kết, đồng lòng trong nhân dân
THÀNH LONG