Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề đặt ra

26/02/2012 07:01

NTM trước hết phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay.

Nông thôn mới (NTM) có thể được khái quát gọn trong 5 nội dung cơ bản sau: “Đó là làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ”.

NTM trước hết phải là nông thôn, không phải là thị tứ, thị trấn, thị xã, thành phố và khác với nông thôn truyền thống hiện nay.

Xây dựng NTM là chủ trương lớn đầy tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân.

Sau 2 năm thực hiện thí điểm mô hình NTM ở 11 xã điểm trên cả nước đã có những thành công bước đầu; hình hài nông thôn mới Việt  Nam đã và đang được hình thành.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng NTM hiện nay vẫn còn một số khó khăn: Khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị đang ngày càng rộng ra. Đất đai nông nghiệp ngày càng thu hẹp do phát triển đô thị, khu công nghiệp… Biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp cũng làm giảm diện tích sản xuất nông nghiệp... Hạ tầng nông thôn còn lạc hậu, trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp từ 70% hiện nay xuống còn 30% lao động của xã hội là bài toán khó…

Từ tình hình trên, cần tập trung ưu tiên trong thời gian sớm nhất thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau:

Một là, quá trình xây dựng NTM, phải đặt người nông dân vào vị trí trung tâm của cuộc vận động. Nếu coi nông dân là chủ thể của phát triển nông nghiệp, nông thôn mà không tập trung sức cải thiện đời sống cho nông dân thì việc xây dựng NTM không còn ý nghĩa nữa.

Hai là, quy hoạch lại nông thôn theo tiêu chí NTM và phải đi trước một bước. Từ quy hoạch tổng thể, xây dựng quy hoạch chi tiết. Tránh gây xáo trộn không cần thiết, dẫn tới lãng phí, tốn kém. Nhất thiết không được triển khai quy hoạch khi quy hoạch chưa được phê duyệt.

Ba là, cần hỗ trợ nông dân về khoa học và công nghệ, đưa tiến bộ khoa học vào nông nghiệp, nông thôn. Hình thành đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, thu hút và trọng dụng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ hiện có bao gồm: đãi ngộ vật chất; môi trường làm việc thuận lợi; cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp; được tôn vinh xứng đáng. Về lâu dài, chăm lo công tác đổi mới đào tạo nhân lực đáp ứng nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ NTM mang tầm cỡ quốc gia.

Bốn là, tranh thủ tìm mọi cách tăng đầu tư xã hội cho xây dựng NTM. Có cơ chế, chính sách và những giải pháp xã hội hóa đủ mạnh và khả thi để huy động các thành phần kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp và toàn xã hội đầu tư cho xây dựng NTM. Cải tiến chính sách tín dụng, bảo đảm mọi nông dân có khó khăn về vốn có thể tiếp cận được các nguồn vốn vay để đầu tư cho sản xuất.

Năm là, tập trung triển khai tốt chương trình đào tạo cho lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề phải gắn kết với yêu cầu của doanh nghiệp, hoặc phục vụ các dự án lớn ở nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn là một tiêu chí khó thực hiện nhất và chỉ thực hiện được bằng cách phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Người nông dân hiện nay cần được đào tạo về tất cả những nghề trực tiếp phục vụ công cuộc xây dựng NTM.

Sáu là, thực hiện bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, nhất là những cây trồng, vật nuôi là sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, vừa bảo đảm ổn định bền vững thu nhập cho nông dân, cho doanh nghiệp, vừa tạo thế cho những sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có vị thế quốc gia.

Bảy là, phát huy triệt để vai trò trung tâm của mô hình “liên kết 4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Đây là một trong những phương thức tốt nhất cho phép người nông dân tận dụng được nhiều lợi thế để phát triển sản xuất; nhà khoa học có điều kiện thực hiện năng lực chuyên môn; nhà doanh nghiệp có cơ hội tìm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; Nhà nước thể hiện được vai trò của mình với vị thế là người “nhạc trưởng”.

Tám là, xây dựng NTM là cuộc vận động lớn đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Chín là, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Những kết quả đạt được ở các xã điểm trong chương trình xây dựng NTM gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng bộ xã. Tổ chức cơ sở đảng phải trong sạch, vững mạnh, đảng viên luôn tiên phong quán triệt các chủ trương, chính sách, tạo sự đồng thuận trong Đảng cho tới toàn xã hội; gương mẫu trong thực hiện xây dựng NTM bằng những việc làm cụ thể, đầu tàu trong các mô hình sản xuất để nhân dân làm theo.

Xây dựng thành công chương trình NTM trên phạm vi cả nước là mục tiêu chiến lược, lâu dài của Đảng và Nhà nước, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của sự  nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, bởi lẽ, trong xu thế phát triển, không thể có một nước công nghiệp nếu nông nghiệp, nông thôn còn lạc hậu và đời sống nông dân còn thấp như hiện nay.

NGUYỄN XUYẾN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề đặt ra