Dù xây dựng công trình lấn chiếm trên diện tích đất thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia nhưng ông Phạm Văn Mạnh (ở xã Quang Thành, Kinh Môn) không chấp hành việc tháo dỡ theo yêu cầu của chính quyền địa phương, gây bức xúc dư luận.
Công trình nhà ở vi phạm của gia đình ông Phạm Văn Mạnh nằm ở góc hồ thuộc di tích lịch sử quốc gia đình làng Đồng Quan Nội
Ông Phạm Văn Mạnh ở thôn Đồng Quan, xã Quang Thành (Kinh Môn) đã xây dựng công trình nhà ở lấn chiếm đất công, trong đó có diện tích đất hồ thuộc di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Đồng Quan Nội. Mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu ông Mạnh tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng đến nay ông này chưa thực hiện, gây bức xúc trong dư luận tại địa phương.
Vi phạm tồn tại hàng chục năm
Theo tìm hiểu của phóng viên, vi phạm của ông Mạnh đã tồn tại hàng chục năm nay. Công trình đã được cơi nới, xây dựng kiên cố. Tháng 5.2019, UBND xã Quang Thành đã xuống kiểm tra, đo đạc, xác minh diện tích đất vi phạm của gia đình ông Mạnh. Qua kiểm tra cho thấy, tổng diện tích đất vi phạm gần 50 m2, trong đó diện tích vi phạm vào diện tích hồ thuộc di tích lịch sử quốc gia đình làng Đồng Quan Nội gần 39 m2, còn lại là diện tích vi phạm vào lề đường.
Theo Chủ tịch UBND xã Quang Thành, công trình nhà ở của ông Mạnh không được thể hiện trong hồ sơ địa chính năm 1992. Trên bản đồ địa chính này, diện tích công trình ông Mạnh đang sử dụng là đất đường đi và hồ. UBND xã đã yêu cầu ông Mạnh cung cấp giấy tờ liên quan đến việc sử dụng đất, nhưng không cung cấp được giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp và vẫn cho rằng gia đình ông không lấn chiếm đất. Diện tích gia đình ông đang sử dụng được thừa hưởng từ mẹ vợ là bà Trần Thị Thắp và đã sử dụng từ năm 1992 - 1993 đến nay. Tháng 7.2019, UBND xã Quang Thành làm việc với bà Trần Thị Thắp và các cá nhân có liên quan để xác minh nguồn gốc đất này. UBND xã còn xác minh thông tin qua những người dân sống ở làng từ năm 1992 đến nay.
UBND xã Quang Thành đã xác định toàn bộ phần diện tích đất hiện nay gia đình ông Mạnh đang sử dụng là đất giao thông và đất ao hồ thuộc phạm vi di tích lịch sử quốc gia đình làng Đồng Quan Nội. UBND xã đã yêu cầu ông Mạnh tự tháo dỡ công trình, trả lại đất cho khuôn viên di tích, đình làng nhưng đến nay ông Mạnh chưa chấp hành.
Cần xử lý triệt để
Ông Phạm Văn Mạnh là đảng viên. Ông Mạnh đã bị Đảng ủy xã Quang Trung cũ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì đã lấn chiếm đất công làm nhà riêng.
Theo ông Lưu Văn Chuyền, Trưởng thôn Đồng Quan, việc ông Mạnh không chấp hành yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm đã khiến dư luận trong thôn bức xúc. Trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân trong thôn tiếp tục đề nghị xử lý triệt để vi phạm của ông Mạnh.
Không chỉ lấn chiếm vào khuôn viên di tích lịch sử quốc gia, theo quan sát của phóng viên, công trình xây dựng vi phạm của gia đình ông Mạnh được xây dựng kiên cố, nằm ở ngay ngã tư đường, cạnh chợ "cóc" của thôn Đồng Quan. Công trình này gây khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông khi đi qua khu vực này.
Ông Lưu Hữu Nhặn, Chủ tịch UBND xã Quang Thành cho biết, công trình vi phạm đã tồn tại từ lâu, lại lấn chiếm vào khuôn viên di tích lịch sử quốc gia. Việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. UBND xã đã báo cáo Thị ủy, UBND thị xã Kinh Môn, đồng thời báo cáo các sở, ngành có liên quan để xin ý kiến chỉ đạo xử lý công trình vi phạm này.
Sai phạm của ông Mạnh đã rõ, đề nghị UBND thị xã Kinh Môn phối hợp, hướng dẫn địa phương kiên quyết xử lý triệt để, trả lại nguyên trạng cho khu vực đã được khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia.
Đình Đồng Quan Nội là nơi thờ Thiên Ân đại tướng quân và 3 anh em họ Phả, húy là Lượng, Hồng, Chí từ thời tiền Lý (năm 544-602) có công đánh giặc giữ nước. Đình được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ XVII), trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Năm 1998, căn cứ vào giá trị lịch sử của đình, điều kiện đất đai, đình đã được khoanh vùng bảo vệ 3 khu vực. Khu vực 1 nội tự di tích bất khả xâm phạm; khu vực 2 là phần tiếp giáp ngay với di tích phải giữ nguyên vẻ đẹp làm tăng giá trị di tích (trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh xây dựng); khu vực 3 là cảnh quan thiên nhiên được tôn tạo các công trình phục vụ. Năm 1999, đình Đồng Quan Nội được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. |
PHAN QUÂN