Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 13 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, tại các cơ sở y tế công.
Thông tư được đánh giá là “mở lối” cho các cơ sở y tế hoạt động cũng như có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị có căn cứ xây dựng giá dịch vụ một cách thống nhất.
Người dân đến đăng ký khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế
Quy định “mở” cho các bệnh viện
Khảo sát tại khoa Khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Bạch Mai, hiện giá khám bệnh theo yêu cầu tại đây có mức giá cao nhất là 150.000 đồng/lượt. Đây là mức giá theo giá bảo hiểm y tế quy định và chỉ thu thêm một phần để chi trả tiền ngoài giờ cho bác sĩ. Cụ thể tại đây, mức giá khám của Giáo sư, Phó Giáo sư là 150.000 đồng/lượt; khám Tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng/lượt; khám Thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng/lượt…
Với mức giá khám bệnh theo yêu cầu như hiện tại được đánh giá là thấp, khó đảm bảo thu nhập cho đội ngũ nhân lực chất lượng cao và không thể phát triển các dịch vụ chất lượng cao tại bệnh viện. Vì vậy Thông tư 13 ra đời có thể giúp bệnh viện xây dựng mức giá phù hợp.
Theo Thông tư 13, giá khám bệnh dịch vụ tối đa là 500.000 đồng/lượt khám, Bệnh viện Bạch Mai đang nghiên cứu để có thể xây dựng mức giá phù hợp nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Thông tư 13 đã “mở” cho các bệnh viện, vì không quy định, cố định mức giá dịch vụ mà có dải giá từ mức tối thiểu đến tối đa để các bệnh viện căn cứ vào điều kiện của mình và người bệnh xây dựng giá phù hợp với từng bệnh viện, điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện. Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang rà soát, để sớm bàn thảo, xây dựng và ban hành mức giá khám bệnh theo yêu cầu để thực hiện khi Thông tư 13 có hiệu lực”.
Theo đó, Bệnh viện cũng không áp dụng đồng loạt giá cao mà người dân có sự lựa chọn mức giá dịch vụ khi tới khám chữa bệnh. Thông tư 13 cũng cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế công lập có thể thực hiện được các hợp tác công tư và liên doanh, liên kết hợp tác. Đặc biệt, có thể hợp tác với các cơ sở y tế nước ngoài, bệnh viện, chuyên gia y tế nước ngoài để khám, chữa bệnh cho người dân ở trong nước; tạo điều kiện cho các bệnh viện hoạt động...
Không chỉ bệnh viện hạng đặc biệt, các bệnh viện hạng thấp hơn cũng có thể áp dụng và xây dựng mức giá khám chữa bệnh dịch vụ dựa trên cơ sở hạ tầng của mình.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) Nguyễn Văn Thường, để xây dựng giá khám, chữa bệnh phù hợp, các bệnh viện phải nghiên cứu kỹ về cơ sở hạ tầng, trình độ bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện cũng như phân khúc các nhóm bệnh nhân, khả năng chi trả của họ để đưa ra mức giá phù hợp.
Giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ được xây dựng trên 6 yếu tố bao gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý đề phòng rủi ro, khấu hao tài sản và chi phí tích lũy để tái đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ khuyến khích các cơ sở y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần cải thiện thu nhập để cán bộ y tế yên tâm phục vụ lâu dài.
Không ảnh hưởng đến người bệnh khám BHYT
Theo Bộ Y tế, quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng cho những người tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và không ảnh hưởng đến người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế hoặc những người không có nhu cầu khám chữa bệnh dịch vụ.
Để xây dựng khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, Bộ Y tế đã khảo sát thực tế ở gần 100 bệnh viện từ Trung ương đến tuyến huyện có cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu để có mức phù hợp.
Với sự ra đời của Thông tư 13, các bệnh viện đang áp dụng giá khám, chữa bệnh dịch vụ cao hơn mức quy định (trên 500.000 đồng/lượt khám) phải rà soát và điều chỉnh mức giá cho phù hợp với khung giá ban hành. Các cơ sở y tế khi ban hành giá dịch vụ theo yêu cầu cần phải đánh giá về cơ sở hạ tầng và chất lượng điều trị.
Đặc biệt, Bộ Y tế cũng quy định yêu cầu các bệnh viện không được phân luồng, ép buộc người dân khám chữa bệnh theo yêu cầu; người dân được lựa chọn các dịch vụ khám, chữa bệnh theo đúng quy định.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận, mục đích ban hành Thông tư 13 là tạo cơ sở pháp lý để các cơ sở khám, chữa bệnh phát triển và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu theo đúng định hướng xã hội hóa công tác y tế; hướng dẫn cơ sở y tế xây dựng bảng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu đúng quy định.
Hiện các bệnh viện đang xây dựng kế hoạch để triển khai khi Thông tư 13 có hiệu lực từ ngày 15.8 tới.
Theo Báo Tin tức