Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam

30/08/2010 07:41

Vớitư tưởng “ai cũng được học hành”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã từ một nước có 95% số dân mù chữ trở thành mộtnước có 95% số dân biết chữ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước ta đã thực sự bắt tay vào xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam. Với tư tưởng “ai cũng được học hành”, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” của Bác, chúng ta đã từ một nước có 95% số dân mù chữ trở thành một nước có 95% số dân biết chữ.

Nền giáo dục của nước nhà từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã được toàn dân tin tưởng, tự hào, được bạn bè gần xa ca ngợi, được tôn vinh là “bông hoa thơm” của chế độ mới.

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta cũng đã và đang quan tâm hết sức mạnh mẽ đến sự nghiệp giáo dục. Chưa bao giờ nhân dân ta cũng như mỗi gia đình lại có điều kiện chăm lo, đầu tư cho con em học hành như bây giờ. Qua các kỳ tuyển sinh đại học những năm vừa qua, rất nhiều thủ khoa của các trường đại học “có tiếng” là con em của những gia đình nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Đạt được kết quả cao như vậy, chủ yếu do các em say mê học, tự học, tự nghiên cứu.

Ngày nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới, giáo dục cũng sẽ hội nhập vào “sân chơi” chung toàn cầu. Điều đó là cần thiết, là yêu cầu khách quan. Bối cảnh đó cùng với mức sống của người dân được nâng lên, phong trào du học, hình thức liên kết đào tạo, cấp bằng nước ngoài hoặc mở trường nước ngoài tại Việt Nam (du học tại chỗ) cũng ngày càng phát triển.

Bên cạnh những mặt tích cực của việc du học, cũng như các hoạt động quảng bá cho việc du học nước ngoài, du học tại chỗ, đã có một số hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, lợi dụng tâm lý sính ngoại của một bộ phận người dân để lừa đảo. Một vấn đề hết sức quan trọng, cần được quan tâm hơn nữa là mục tiêu đào tạo của các trường. Chẳng hạn, mục tiêu đào tạo của loại trường liên kết đào tạo, cấp bằng nước ngoài hoặc trường nước ngoài được mở tại Việt Nam, do ai xác định và được đặt dưới sự quản lý của ai. Các loại hình đào tạo đó có phải là một bộ phận của nền giáo dục Việt Nam hay không. Các trường đó liệu có đào tạo con em thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng của cha ông; có đào tạo các em giữ vững bản sắc của con người Việt Nam, ngôn ngữ Việt Nam; hiểu biết tường tận lịch sử, địa lý... Việt Nam; yêu Tổ quốc, yêu đồng bào Việt Nam hay không? Và hơn nữa, có đào tạo các em giữ vững được truyền thống, tinh thần đấu tranh của các thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam? Những vấn đề nói trên, cho đến nay, vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Vì thế, trong điều kiện, hoàn cảnh mới này, những lời dạy của Bác Hồ vẫn còn nguyên giá trị và cần được quán triệt sâu sắc hơn nữa, sao cho mỗi học sinh Việt Nam, dù học ở trong nước hay du học ở nước ngoài, ở bất kỳ loại hình trường nào cũng đều thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ mà “cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn nghe thầy đua bạn”, bởi “Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”. Chúng ta phải làm cho mọi người tự hào với truyền thống tốt đẹp và tiến bộ của nền giáo dục Việt Nam. Một nền giáo dục sẽ đào tạo các em trở thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em. Cần phải đề phòng và đoạn tuyệt với tâm lý phục ngoại, tự ti dân tộc; đấu tranh với những hiện tượng tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp nền giáo dục cách mạng của chúng ta; đồng thời, trong xu thế hội nhập ngày nay, chúng ta càng phải thấm nhuần lời dạy của Bác, đồng tâm góp sức, xây dựng, phát triển nền giáo dục của nước ta hiện đại nhưng hoàn toàn Việt Nam, nền giáo dục của một nước độc lập.

HÀ THÀNH

(0) Bình luận
Xây dựng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam