Tình yêu với biển đảo quê hương đã thôi thúc ông Trần Quang Sang (sinh năm 1960, ở thôn Giang Hạ, xã Tân Dân, Chí Linh) xây dựng mô hình các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa...
Ông Sang xây dựng mô hình các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào thời điểm Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta
Đau đáu với biển đảo Tổ quốc
Từng tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc (năm 1979), chứng kiến những mất mát, hy sinh của đồng đội, ông Trần Quang Sang luôn trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập. Mỗi lúc rảnh rỗi, ông đều tìm đọc lại những tư liệu về các cuộc chiến lớn của dân tộc. Tinh thần yêu nước càng trỗi dậy mãnh liệt khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (năm 2014), xâm phạm chủ quyền đất nước. Tình yêu với đất nước, với biển đảo được ông Sang gửi gắm qua mô hình các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà ông dày công xây dựng.
"Hành động của Trung Quốc làm cho bất cứ ai là công dân Việt Nam đều bất bình, nhất là đối với người lính đã từng tham gia chiến đấu để giành lại từng tấc đất cho quê hương như tôi. Chính vì thế, tôi muốn làm điều gì đó cho biển đảo quê hương. Ý tưởng làm mô hình Hoàng Sa, Trường Sa cũng bắt nguồn từ đây", ông Sang chia sẻ.
Sau hơn 5 tháng thực hiện, hình ảnh các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được ông Sang làm từ đá ong cổ và cỏ chỉ đã hiện hữu trong khu vườn trước sân nhà. Tuy vẫn còn đơn giản song nó thể hiện tình yêu lớn lao mà ông dành cho biển đảo. Khi mô hình hoàn thiện, ông lại muốn phải có sự liên kết giữa biển đảo với đất liền nên đã thuê thêm thợ, dùng đá đắp thành bản đồ Việt Nam trên mảnh vườn rộng 320 m2 gồm dải đất hình chữ S và 2 quần đảo lớn. Những hòn non bộ đặt bên cạnh cũng được ông mô phỏng thành những hòn đảo nổi tiếng của đất nước. Ông còn lắp đặt hệ thống đèn điện xung quanh để thấy được sự kỳ vĩ của non sông đất nước về đêm.
Ông Sang tâm sự: "Mô hình xây dựng xong, rất nhiều người trong và ngoài xã đến nhà tôi để xem. Mô hình này như sợi dây kết nối mọi người lại với nhau khi từng câu chuyện về ý chí quật cường của cha ông để bảo vệ chủ quyền đất nước được nhắc lại. Những câu chuyện ấy sẽ góp phần bồi đắp tình yêu với quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”.
Yêu nước, yêu nhà
Khi ngày càng nhiều người biết tới mô hình độc đáo này, ông Sang đã nảy ra ý tưởng gắn kết mọi người có chung tình yêu quê hương, đất nước thiêng liêng. Ông xin phép chính quyền được đặt cột cờ Tổ quốc, cờ Đảng ở phía trước mô hình và lấy ngày 23 tháng chạp hằng năm tổ chức lễ thượng cờ. Đã 4 năm nay, dù công việc cuối năm bận rộn nhưng nhiều người dân trong thôn, trong xã đều cố gắng tới nhà ông Sang tham dự lễ thượng cờ, coi đây vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm dành cho quê hương.
Không chỉ trong thời chiến mà ngay cả thời bình, phẩm chất của người lính Cụ Hồ luôn được ông Sang phát huy và là điểm tựa giúp ông phát triển kinh tế. Sau khi thôi giữ chức trưởng thôn, ông Sang quyết định thuê 10 ha đất công điền của xã để làm trang trại. Vốn là khu đồng chua trũng nên mọi thứ đối với ông không hề dễ dàng. Thế nhưng bằng bàn tay, khối óc đã được rèn luyện qua lửa đạn chiến tranh, sau hơn 10 năm, ông Sang đã gây dựng được cơ ngơi khang trang, gồm 2 ao nuôi cá truyền thống, 1 ao nuôi ba ba và một hệ thống chuồng trại nuôi 120 lợn nái và 100 lợn thương phẩm khép kín. Ngoài ra, ông còn trồng hàng nghìn gốc cam, bưởi, đinh lăng và sưa đỏ. Mỗi năm trang trại của gia đình ông cho lãi từ 300-400 triệu đồng.
Tưởng chừng như mối bận tâm về kinh tế sẽ khiến ông Sang vơi đi phần nào tâm huyết với mô hình đất nước nổi bật với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã xây dựng nhưng ông vẫn luôn đau đáu khi chưa làm được nhiều hơn thế. Theo thời gian, mô hình không còn nguyên vẹn như trước. Lớp cỏ mọc dày thêm, đá ong cũng bong tróc, rơi vãi nhiều. Ông Sang đang ấp ủ dự định lớn là ngoài cải tạo lại mô hình, nếu được sự đồng ý của các cấp, các ngành, ông sẽ sử dụng ao nuôi cá để dựng sa bàn về 2 chiến thắng vĩ đại của dân tộc là chiến dịch Điện Biên Phủ và chiến dịch Hồ Chí Minh. "Sống qua 2 thời kỳ lịch sử khác nhau nên tôi muốn thế hệ trẻ hiểu được rằng thành quả của ngày hôm nay chính là xương máu của cha ông đã đổ xuống. Vì vậy, phải biết trân trọng và sống sao cho xứng đáng. Đó chính là mong mỏi lớn nhất của tôi", ông Sang trải lòng.
NGUYỄN MƠ