Thôn đông dân, tình hình an ninh trật tự không bảo đảm... là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều thôn, KDC khó đạt danh hiệu làng, KDC văn hóa.
Sau hơn 10 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện Cẩm Giàng mới có 65 trong tổng số 132 làng, khu dân cư (KDC) đạt danh hiệu làng, KDC văn hóa, chiếm 49,2%. Thôn đông dân, tình hình an ninh trật tự không bảo đảm, vệ sinh môi trường chưa tốt, thiếu thiết chế văn hóa... là những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều thôn, KDC của huyện khó đạt danh hiệu làng, KDC văn hóa.
Thôn Phượng Hoàng, xã Cẩm Hoàng có gần 600 hộ, khoảng 2.700 nhân khẩu, là thôn đông dân nhất xã. Trong khi 5 thôn còn lại của xã đã đạt danh hiệu làng văn hóa (LVH) thì Phượng Hoàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn để thực hiện các tiêu chí của LVH. Trưởng thôn Hà Thế Mai cho biết: Nhờ phát triển mạnh nghề nuôi thủy sản và tìm việc làm tại các khu công nghiệp, đời sống nhân dân đã được nâng lên. Năm 2011, Phượng Hoàng đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu LVH, nhưng không đạt. Nguyên nhân do thôn còn thiếu nhà văn hóa, chưa có bãi chôn lấp rác và tổ thu gom rác thải, vệ sinh môi trường. Các tiêu chí về cơ sở vật chất tuy khó, song có thể phấn đấu được. Hiện thôn đã có sân thể thao, đã quy hoạch được đất để xây nhà văn hóa. Ngay sau khi hoàn thiện hệ thống giao thông, Phượng Hoàng sẽ vận động nhân dân đóng góp, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ở thôn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là việc bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra vi phạm pháp luật và vi phạm các chính sách của Nhà nước. Dân cư đông, diện tích rộng, địa hình "cài răng lược", khó phân chia thành từng cụm để quản lý nên trong thôn vẫn xảy ra tình trạng đánh bạc nhỏ lẻ dù người chơi đa phần từ nơi khác đến. Vấn đề sinh con thứ ba trở lên cũng là bài toán khó giải. Thực tế, số người sinh con thứ ba ở Phượng Hoàng không nhiều, mỗi năm chỉ có 1-2 trường hợp, nhưng đã ảnh hưởng đến quá trình xây dựng LVH của thôn.
Thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn cũng đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng LVH. Đông dân, có nhiều chi bộ, việc tạo sự đồng thuận giữa các xóm để thực hiện mục tiêu xây dựng LVH của Văn Thai không đơn giản. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng thôn cho biết: Văn Thai có nghề giết mổ trâu bò. Nước thải của các lò mổ, xương trâu, xương bò chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường nhiều năm nay là vướng mắc lớn nhất trong quá trình xây dựng LVH. Thêm vào đó, hiện tượng trộm cắp vặt, đánh cãi chửi nhau vẫn xảy ra; tỷ lệ người sinh con thứ ba đã giảm nhưng vẫn còn là những nguyên nhân khiến thôn khó hoàn thành các tiêu chí của LVH.
Ngoài những nguyên nhân nói trên, qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, khó khăn trong công tác xây dựng LVH của Cẩm Giàng xuất phát từ một số nguyên nhân chủ quan như: nhận thức của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa của việc xây dựng LVH còn hạn chế. Có người cho rằng nếu đạt LVH lại mất công giữ gìn danh hiệu, trong khi mức thưởng cho làng khi được công nhận LVH chỉ có 10-15 triệu đồng. Một số làng, KDC đã đạt danh hiệu LVH, song chất lượng còn thấp, vẫn xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật như làm nhà trái phép trên đất chuyển đổi, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang giao thông... khiến ý nghĩa của danh hiệu LVH bị giảm sút. Hoạt động của ban chỉ đạo “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở một số nơi còn chưa sâu sát. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa thể thao chưa được đẩy mạnh. Cơ chế đầu tư, hỗ trợ cho xây dựng thiết chế của các LVH còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng LVH. Do đặc điểm của huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nhiều lao động tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, hoạt động văn hóa, thể thao chủ yếu tập trung ở người già và học sinh... cũng là những nguyên nhân khiến các làng, KDC khó vận động nhân dân xây dựng làng, KDC văn hóa.
Đồng chí Nguyễn Đình Hài, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cẩm Giàng cho biết: Để khắc phục khó khăn trên, Cẩm Giàng đã xây dựng đề án “Củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng, KDC, cơ quan văn hóa giai đoạn 2011 -2015” với mục tiêu mỗi năm toàn huyện có thêm 4-5 làng được công nhận làng, KDC văn hóa. Theo đó, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của việc xây dựng làng, KDC văn hóa; thành lập các ban điều hành quy ước của thôn; củng cố ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” từ huyện đến cơ sở, xây dựng kế hoạch, định hướng hoạt động, lộ trình phấn đấu cụ thể của từng địa phương. Các ngành, đoàn thể tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tập huấn cho đội ngũ trưởng, phó thôn, KDC; thực hiện nghiêm quy trình bình xét danh hiệu làng, KDC văn hóa; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng làng, KDC văn hóa; tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao; đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa còn thiếu; tổ chức kiểm điểm, phê bình tại cộng đồng dân cư và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật để hạn chế các tệ nạn xã hội xảy ra.
THANH MAI