Xây dựng làng kiểu mẫu

12/08/2012 13:04

Bác giới thiệu làng Thọ Xuân (Thanh Hóa) do quán triệt quan điểm của Chính phủ nên đã tổ chức “làm việc tập đoàn”, phân công lao động hợp lý, khoa học.

Cách đây 60 năm, Bác Hồ với bút danh Đ.X, đã viết bài báo “Một làng tiên tiến kiểu mẫu” đăng trên báo Cứu Quốc, số 2141, ngày 12-8-1952. Trong bài viết, Bác giới thiệu làng Thọ Xuân (Thanh Hóa) do quán triệt quan điểm của Chính phủ về kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, nên đã tổ chức “làm việc tập đoàn”, phân công lao động hợp lý, khoa học.

Người phân tích: Sau khi nghiên cứu kỹ và hiểu rõ kế hoạch sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ, đồng bào toàn xã Thọ Xuân cùng nhau kiểm điểm: mình đã tiết kiệm chưa? Kết quả là thấy rõ, mỗi năm, nhân dân toàn xã đã lãng phí 12 vạn nhân công, nghĩa là có thể cày cấy thêm 1.000 mẫu ruộng. “Thấy như vậy, đồng bào Thọ Xuân bèn cùng nhau tổ chức làm việc tập đoàn, đặt kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, lập chương trình nghề nghiệp phụ, như kéo sợi, làm vải... Rồi phân công cho mọi người từ các cụ già đến các em bé, ai cũng có việc làm”. Người mong đồng bào các nơi khác cố gắng thi đua với đồng bào Thọ Xuân và khen nhân dân Thọ Xuân bằng thơ:
Phân công hợp lý cả làng.
Sản xuất tiết kiệm rõ ràng thi đua.
Một mùa gặt bằng hai mùa.
Dân no, nước mạnh tha hồ đánh Tây.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Người luôn thăm hỏi, động viên nông dân. Khi đến thăm nông dân, Bác không dùng những lời lẽ chung chung mà rất cụ thể, nói rõ từng việc, chỉ ra ưu điểm để phát huy, vạch rõ khuyết điểm để khắc phục. Người yêu cầu tập đoàn, tập đội và người lao động phải xây dựng: “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm” và “Lề lối làm việc: Mọi việc bất kỳ to nhỏ, phải có kế hoạch, phải bàn bạc kỹ, phải giải thích cho dân hiểu rõ, sao cho dân vui vẻ làm. Hết sức tránh bệnh quan liêu, bệnh mệnh lệnh”. Người khuyên mọi người đều phải tiết kiệm để tích luỹ và tăng năng suất lao động “Làm cho nhiều, tiêu thì ít, làm chóng tiêu chậm tức là đủ”.

Bác căn dặn bà con nông dân: “Thực túc thì binh cường! Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công thì đồng bào ở hậu phương phải thi đua tăng gia sản xuất. Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”. Từ thực tế vừa kháng chiến vừa kiến quốc, nhiều làng, xã “kiểu mẫu” về tăng gia sản xuất và chiến đấu giữ đất, giữ làng ra đời.

Sau 26 năm đổi mới, kế thừa và phát triển tư tưởng của Bác Hồ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn: Phát triển ổn định ngành nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực; kinh tế nông thôn và đời sống nông dân được cải thiện.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó, dành trọng tâm lớn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, như Bác Hồ từng dạy.

QUANG MINH(biên soạn)

(0) Bình luận
Xây dựng làng kiểu mẫu