Trong giai đoạn hiện nay, các chủ thể cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng câu chuyện để gắn với từng sản phẩm, tạo sự khác biệt; khai thác lợi thế để phát triển du lịch nông thôn.
Các đại biểu tỉnh tham dự hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Sáng 9.9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) và phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Mình Hoan chủ trì hội nghị, đánh giá OCOP đã tạo ra động lực to lớn để các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn của địa phương từng bước lớn mạnh và xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Dù vậy, hiện có quá nhiều sản phẩm OCOP cùng loại tương đồng nên khó khăn trong định giá và tiêu thụ. Để tạo sự khác biệt, các chủ thể cần nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua các câu chuyện của từng sản phẩm gắn với câu chuyện của địa phương. Tích hợp, đa dạng hóa các sản phẩm để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình OCOP là đa dạng hóa sản phẩm, tạo việc làm cho nhiều người hơn, gắn kết cộng đồng dân cư ở nông thôn. Xây dựng không gian kinh tế nông thôn bao gồm cả HTX và các làng nghề. Cùng với đó, xây dựng và phát triển kinh tế trải nghiệm, du lịch nông thôn để khai thác tối đa giá trị tiềm năng, lợi thế của địa phương. Khi thực hiện các mục tiêu trên cần tạo độ khác biệt cao, định vị và có sức cạnh tranh thị trường, phát triển từ nguyên liệu thô, xây dựng thành nhãn hiệu hàng hóa...
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong giai đoạn hiện nay, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, nông nghiệp sẽ mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương. Trong đó các cộng đồng địa phương tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch và thu hút các lợi ích để phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, các địa phương cần quan tâm đến các trải nghiệm của du khách. Đặc biệt, các tỉnh cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm để giới thiệu sản phẩm OCOP. Đây sẽ là nơi để trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh và là nơi để thăm dò, nghiên cứu thị trường từ các khách hàng... Qua đó điều chỉnh lại các sản phẩm OCOP cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Hải Dương hiện có 150 sản phẩm OCOP. Trong đó 43 sản phẩm tươi sống, 9 sản phẩm sơ chế, 71 sản phẩm thực phẩm chế biến, 7 sản phẩm dược liệu và 8 sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Năm 2022, tỉnh đang triển khai hỗ trợ tư vấn xây dựng 50 sản phẩm tham gia Đề án OCOP. Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại như đưa các sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện từ, triển lãm ảo nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ các chủ thể tham gia hội chợ khu vực Tây Nguyên, Quảng Ninh, khu vực phía Bắc - Lào Cai... Hỗ trợ nhiều chủ thể liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
PV