Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

11/11/2012 16:17

Trong một phần tư thế kỷ gần đây, MTTQ Việt Nam đã không ngừng được củng cố, tăng cường về tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động...

Ngày 18-11-1930, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam được thành lập nhằm tập hợp rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội, đoàn kết mọi người tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để thực hiện thắng lợi mục tiêu, con đường Đảng ta đã chọn.

Từ đó đến nay, suốt 82 năm, với các phương thức hoạt động, hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Dân tộc thống nhất (nay là MTTQ Việt Nam) đã lớn mạnh không ngừng và có những đóng góp hết sức to lớn, thực sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Trong một phần tư thế kỷ gần đây, MTTQ Việt Nam đã không ngừng được củng cố, tăng cường về tổ chức, đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, tiếp tục khẳng định và phát huy vị trí, vai trò của mình trong đời sống chính trị - xã hội. Mối quan hệ giữa Mặt trận với các tầng lớp nhân dân ngày càng mật thiết, được nhân dân tin cậy. Mặt trận đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề bức xúc trong cuộc sống của nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Thông qua những hoạt động ích nước, lợi dân đó, MTTQ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và Nhà nước, củng cố mối liên hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Thành tích, cống hiến và sự phát triển của Mặt trận là rất to lớn và đáng tự hào.
Suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định: Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Đại đoàn kết dân tộc là một vấn đề chiến lược có ý nghĩa sống còn, quyết định thành bại của cách mạng, là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng, phù hợp với đòi hỏi khách quan của quần chúng nhân dân muốn tự giải phóng mình.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên cơ sở bảo đảm những lợi ích tối cao của dân tộc và những quyền lợi cơ bản, chính đáng của nhân dân. Chỉ có tin vào dân, dựa vào dân thì mới xây dựng được khối đại đoàn kết một cách tự giác, có tổ chức, có lãnh đạo, cùng hướng đến một mục tiêu chung. Tư tưởng đại đoàn kết đã được Đảng ta vận dụng đúng đắn, sáng tạo, được toàn dân ta hưởng ứng hết lòng, tạo nên sức mạnh phi thường đưa đất nước ta vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành thắng lợi to lớn qua các thời kỳ cách mạng.

Trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI). Đảng ta đã xác định nhiệm vụ quan trọng là phải giải quyết những “vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng”, nhiệm vụ của MTTQ lúc này càng quan trọng. Một mặt, tuyên truyền, vận động để nhân dân thấy được quyết tâm tự sửa mình của Đảng và có cách làm, bước đi thích hợp, không nóng vội, không thờ ơ, kiên quyết xử lý những khuyết điểm, yếu kém, nhưng cũng không bôi đen, không lợi dụng xuyên tạc làm mất đoàn kết nội bộ. Mặt khác, tích cực vận động nhân dân tham gia ngày càng nhiều vào quản lý xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền bằng các hình thức thích hợp.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, chúng ta phải triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc tiếp tục phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Quan điểm và chủ trương của Đảng ta là: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất trong bối cảnh mới. Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung... để tập hợp, đoàn kết mọi người vào Mặt trận Dân tộc thống nhất, tăng cường đồng thuận xã hội.

Để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban MTTQ các cấp cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt, vận động, tập hợp, đoàn kết nhân dân, thực hiện dân chủ ở cơ sở, giám sát và phản biện xã hội. Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, nhất là hai cuộc vận động do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khởi xướng là "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và "Ngày vì người nghèo". Vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, đa dạng hoá các hình thức hoạt động và khắc phục tình trạng hành chính hóa các hoạt động của MTTQ.

LƯƠNG ANH TẾ

(0) Bình luận
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc