Xây dựng hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh

25/07/2012 12:28

Việc đầu tư xây dựng hệ thống bến xe khách góp phần lập lại trật tự trong quản lý vận tải khách trên địa bàn...



Bến xe khách Hải Dương xây dựng từ năm 1978 nay đã xuống cấp


Tỉnh ta hiện có 5 bến xe đang hoạt động, đều có lưu lượng trên 100 xe/ngày đêm trở lên, gồm: Hải Dương, Hải Tân, phía tây TP Hải Dương, Thanh Hà và Ninh Giang. Bên cạnh đó, một số huyện đã hình thành điểm đỗ xe đón trả khách, chủ yếu là nền đất, thô sơ, chưa có đơn vị quản lý. Chỉ có Bến xe Thanh Hà (xây dựng năm 2008) là cơ bản bảo đảm đủ tiêu chuẩn bến xe loại 3, còn các bến khác đã xuống cấp hoặc chưa được đầu tư xây dựng với quy mô tương xứng.

Ông Nguyễn Tất Huệ, Giám đốc Ban Quản lý các bến xe khách Hải Dương cho biết, Bến xe khách Hải Dương có diện tích trên 4.300 m2, trong đó diện tích sàn đã xây dựng 728 m2. Bến được xây dựng từ năm 1978, đã xuống cấp, chật chội. Bến xe khách Hải Tân rộng gần 2.200 m2, diện tích sàn xây dựng 108 m2, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, chưa đáp ứng yêu cầu của bến xe phía nam TP Hải Dương. Trên địa bàn thành phố còn có Bến xe phía tây được quy hoạch khá rộng, nhưng đến nay chưa được đầu tư xây dựng, chưa tổ chức hoạt động bến quy mô. Bến xe khách Ninh Giang rộng 3.100 m2, diện tích sàn xây dựng 180 m2, cơ sở vật chất còn hạn chế, cần được đầu tư nâng cấp.

Để đáp ứng yêu cầu công tác vận tải hành khách đến năm 2015 và phát triển tới năm 2020, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các ngành chức năng từng bước quy hoạch, phát triển hệ thống bến xe trong tỉnh. Trước hết, tập trung quy hoạch đầu tư xây dựng Bến xe Bến Trại (xã Tiền Phong, Thanh Miện). Đây là bến cuối tỉnh, có tần suất trên 100 chuyến/ngày, rộng trên 9.000 m2, gồm khu nhà chờ và điều hành, quy mô 2 tầng có tổng diện tích sàn 482 m2, xưởng sửa chữa 240 m2 và các công trình phụ trợ, bảo đảm đạt tiêu chuẩn bến cấp 3. Tỉnh đã cấp trên 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, dự kiến cuối năm 2012 sẽ đấu thầu, khởi công xây dựng. Bến xe khách Bến Trại được đầu tư làm 2 giai đoạn với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Tá Duân, Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở Giao thông vận tải, Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng các bến trọng điểm như  Bến xe khách Hải Dương, các Bến xe: Hải Tân, Bến Trại, Thanh Hà và Ninh Giang. Còn lại các bến khác được xây dựng theo hình thức xã hội hóa. Sở Giao thông vận tải đã lập quy hoạch các bến xe khác ở các huyện, thị xã trình UBND tỉnh. Trong năm 2012, quy hoạch và lập dự án đầu tư xây dựng các Bến xe: Kinh Môn, phía đông thị xã Chí Linh, Gia Lộc, Quý Cao (Tứ Kỳ), Kẻ Sặt (Bình Giang). Các bến mới xây dựng có diện tích từ 3.500 m2 trở lên, với quy mô bến xe cấp 3. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương dành đất cho quy hoạch, xây dựng bến xe, đồng thời thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống bến. Trong năm 2013, sẽ quy hoạch xây dựng các Bến xe: Phúc Thành (Kinh Môn), Đồng Gia (Kim Thành), Bến Tắm (Chí Linh), Thanh Miện (thị trấn Thanh Miện) và Hiệp Cát (Nam Sách). Như vậy, đến năm 2015, tỉnh ta quy hoạch xây dựng 17 bến xe khách ở  TP Hải Dương và các huyện, thị xã trong tỉnh, bảo đảm các điểm đầu, cuối tỉnh đều có bến xe phục vụ người dân đi lại.

Việc đầu tư xây dựng hệ thống bến xe khách góp phần lập lại trật tự trong quản lý vận tải khách trên địa bàn. Song nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống này lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, các huyện, thành phố, thị xã sau khi có quy hoạch chi tiết xây dựng các bến xe cần khẩn trương kêu gọi đầu tư, xây dựng và khai thác bến xe có hiệu quả.

ANH TUẤN

(0) Bình luận
Xây dựng hệ thống bến xe khách trên địa bàn tỉnh