Đoạn đường này có chiều dài gần 2 km, chạy song song phía nam đường sắt, với quy mô cấp 3 đường đồng bằng...
UBND tỉnh vừa quyết định giao cho Sở Giao thông vận tải lập dự án đầu tư xây dựng đường gom đường sắt Hà Nội - Hải Phòng nối nút giao lập thể tại ngã Ba Hàng với đường tỉnh 390B. Đoạn đường này có chiều dài gần 2 km, chạy song song phía nam đường sắt, với quy mô cấp 3 đường đồng bằng, nhằm tránh cho 4 đường ngang thuộc xã Ái Quốc (TP Hải Dương) và đường 390B từ huyện Thanh Hà ra quốc lộ 5 không phải đi qua đường sắt, trong đó có điểm giao cắt giữa đường sắt Hà Nội- Hải Phòng với đường tỉnh 390B tại km 64+600, nơi vừa xảy ra tai nạn lật tàu ngày 10-7. Sở Giao thông vận tải sẽ nghiên cứu, khảo sát, lập phương án, báo cáo UBND tỉnh về vị trí, quy mô tuyến đường gom và bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nguồn vốn đầu tư công trình từ ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
* Đến nay, một số địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai giải tỏa hành lang an toàn giao thông các tuyến tỉnh lộ như: huyện Kim Thành (tỉnh lộ 388 và 389), huyện Tứ Kỳ (tỉnh lộ 391), huyện Bình Giang (tỉnh lộ 392), TP Hải Dương (tỉnh lộ 390). Đa số nhân dân sống ven đường đều đồng tình, ủng hộ chủ trương này và có nhiều gia đình đã tự giác tháo dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa bám sát thời gian giải tỏa theo kế hoạch.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động, tích cực vào cuộc và phối hợp với Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, hướng dẫn pháp luật về trật tự an toàn giao thông và công tác quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cho nhân dân, đặc biệt quan tâm tới các hộ dân sinh sống ven các tuyến tỉnh lộ. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, chính quyền địa phương cấp xã rà soát lại toàn bộ khối lượng đã kiểm kê (để tự giải tỏa hành lang đường bộ), tiếp tục chỉ đạo cấp xã tự giải tỏa theo kế hoạch và tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông đường bộ đã thống nhất với Sở Giao thông vận tải, nhất là một số địa phương có khối lượng lớn nhưng tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu như Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang, Gia Lộc, Kinh Môn, thị xã Chí Linh. Trong quá trình tổ chức giải tỏa, yêu cầu ban chỉ đạo giải tỏa cấp huyện bố trí đủ lực lượng theo kế hoạch và chỉ đạo Chủ tịch UBND cấp xã, lực lượng an ninh phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải tỏa tại hiện trường, nhận bàn giao phạm vi đã giải tỏa để quản lý, chống tình trạng tái lấn chiếm vi phạm.
PV