Xây dựng đúng giấy phép vẫn... vi phạm

10/01/2020 08:39

Công ty Thái Sơn đang xây dựng công trình theo đúng giấy phép được cấp thì bị đề nghị tạm dừng.


Một số công trình Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ Thái Sơn đã xây dựng theo giấy phép được cấp, nhưng lại vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi

Mặc dù Công ty TNHH Xây dựng thương mại và Dịch vụ Thái Sơn (Công ty Thái Sơn) đã thực hiện dự án theo đúng quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh và xây dựng các hạng mục theo giấy phép đã được cấp nhưng vẫn bị đề nghị tạm dừng triển khai một số hạng mục do vi phạm Luật Thủy lợi.

Thủ tục làm xong lại đề nghị làm tiếp

Tháng 4.2019, UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư dự án cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Sơn do Công ty Thái Sơn làm chủ đầu tư. Dự án sử dụng 10.621 m2 đất ở khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân (TP Chí Linh).

Theo kế hoạch, mỗi năm doanh nghiệp (DN) này sẽ kinh doanh khoảng 600 m3 xăng dầu, 1.000 lít dầu nhờn và 2.000 kg mỡ bôi trơn. Dự án phải xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định chủ trương đầu tư.

Ngay sau khi có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, Công ty Thái Sơn đã triển khai các thủ tục, trình tự theo quy định để thực hiện dự án. Ngày 17.5.2019, UBND TP Chí Linh có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng cửa hàng kinh doanh xăng dầu Thái Sơn.

Đầu tháng 7.2019, UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng cho Công ty Thái Sơn thuê đất. Ngày 23.7, UBND tỉnh có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho DN này.

Cuối tháng 7, Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan đã bàn giao đất và mốc giới trên thực địa. Tháng 9, DN đã được Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng cho các hạng mục công trình thuộc dự án.

Sau khi được cấp phép xây dựng, Công ty Thái Sơn đã thực hiện 10 hạng mục công trình theo đúng giấy phép đã được cấp. Thế nhưng, đầu tháng 12, Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã phối hợp với Chi cục Thủy lợi và UBND phường Hoàng Tân kiểm tra hiện trường dự án và yêu cầu Công ty Thái Sơn phải tạm dừng xây dựng các hạng mục chưa xây dựng nằm trong phạm vi bảo vệ đập hồ Bến Tắm ngoài. Công ty phải hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Bột, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết hồ Bến Tắm ngoài thuộc địa phận phường Hoàng Tân do công ty quản lý, khai thác.

Theo quy định tại điều 40 Luật Thủy lợi năm 2017, vùng phụ cận của đập tính từ chân đập trở ra tối thiểu phải là 20 m. Công ty Thái Sơn đã xây dựng công trình nhà vệ sinh, tường bao, bể chứa xăng với tổng diện tích khoảng 411 m2 trong phạm vi vùng phụ cận của đập hồ Bến Tắm ngoài, cách chân đập chỉ khoảng 10 m. Hoạt động này đã vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Chưa có ý kiến của ngành nông nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, giữa tháng 12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND tỉnh kiến nghị xử lý vi phạm của Công ty Thái Sơn.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: “Chủ đầu tư và các cơ quan chức năng không tham khảo, lấy ý kiến tham gia của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các nội dung liên quan thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Ngoài ra, Công ty Thái Sơn chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép cho hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định”.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc Công ty Thái Sơn xây dựng các công trình trong phạm vi vùng phụ cận của đập Bến Tắm ngoài vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Nếu xảy ra các tình huống thiên tai bất lợi, tràn vỡ đập sẽ gây lũ lụt vùng hạ du và ảnh hưởng đến môi trường do tràn dầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo yêu cầu Công ty Thái Sơn dừng các hoạt động vi phạm trong vùng phụ cận của đập Bến Tắm ngoài và khôi phục lại hiện trạng ban đầu, rà soát lại các hạng mục của dự án.

Việc kinh doanh xăng dầu trong vùng phụ cận hoặc giáp ranh công trình thủy lợi phải có các công trình và biện pháp khắc phục sự cố khi tình huống thiên tai bất lợi xảy ra. Hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải có giấy phép. Chủ dự án chỉ được thực hiện sau khi các cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định.

Đại diện lãnh đạo Công ty Thái Sơn cho rằng DN đã thực hiện đầu tư, xây dựng dự án theo quy định, đúng mốc giới đã được các cấp có thẩm quyền cấp phép. Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên để hoàn thiện các quy trình, thủ tục dự án, đơn vị đã rất thận trọng.

“Trong quá trình triển khai dự án, chúng tôi không được cơ quan chức năng hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến thủy lợi, đê điều. Mặc dù sự việc này chưa làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của công ty nhưng chúng tôi rất lo lắng về tính pháp lý của dự án sau này. Sự chồng lấn một phần diện tích vùng phụ cận đập hồ Bến Tắm ngoài và mốc giới dự án đã bàn giao cho công ty có nguy cơ làm thay đổi thiết kế ban đầu của dự án, gây khó khăn cho DN”, lãnh đạo Công ty Thái Sơn nói.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra, xem xét lại diện tích đất bàn giao, có biện pháp giải quyết thỏa đáng.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng đúng giấy phép vẫn... vi phạm