Tổng kết thực tiễn sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 về người hoạt động không chuyên trách

25/05/2022 05:46

Chế độ, mức phụ cấp chưa tương xứng với khối lượng công việc nên việc tìm người hoạt động không chuyên trách tại nhiều địa phương gặp khó khăn. Trong khi đó, để điều chỉnh tăng một số chế độ chính sách thì tỉnh không thể tự quyết.

Bài cuối: Mức phụ cấp, bồi dưỡng còn thấp 

Ngày 21.4, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh làm việc với UBND TP Hải Dương về việc bố trí các chức danh, số lượng, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách


Dù mức phụ cấp, bồi dưỡng cho người hoạt động không chuyên trách đã được nâng lên so với trước khi thực hiện Nghị quyết 05 song vẫn còn ở mức thấp, chưa tương xứng công sức lao động bỏ ra.

Chế độ chưa tương xứng

Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đến xã Long Xuyên (Bình Giang) để tìm hiểu công việc của những người hoạt động không chuyên trách xã, thôn và người tham gia trực tiếp công việc ở thôn (sau đây gọi tắt là người hoạt động không chuyên trách). Mới ngồi nói chuyện được chừng 3 phút thì ông Hoàng Đức Hiển, Công chức Văn hóa-Xã hội kiêm Trưởng Đài Truyền thanh xã Long Xuyên phải đi phát thông báo trên Đài Truyền thanh nhắc nhân dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19. Ông Hiển kiêm nhiệm thêm chức danh Trưởng Đài Truyền thanh xã từ hơn 1 năm nay. “Chỉ từ 6-8 giờ sáng nay, tôi phải bật 4 lần phát thông báo tiêm vaccine để đông đảo nhân dân biết. Công việc kiêm nhiệm rất vất vả. Năm nay còn đỡ chứ 2 năm trước dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì mỗi ngày ngoài tiếp âm của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Đài Phát thanh huyện và thực hiện chương trình của Đài Truyền thanh xã như thường lệ, tôi phải thực hiện thêm 2 lần phát thông báo liên quan đến dịch. Nhận cái đài này mệt lắm, mà không làm đến nơi đến chốn thì người ta nói cho”, ông Hiển chia sẻ.

Hiện nay, ngoài lương công chức, ông Hiển được nhận thêm 1.341.000 đồng phụ cấp của Trưởng đài (hệ số 0,9 mức lương cơ sở). Ông Hiển cho biết mức phụ cấp nhận được còn thấp và mong được tăng mức phụ cấp của cả trưởng đài, phó trưởng đài.

Xã Long Xuyên có 3 thôn, trong đó thôn Cậy có 1.751 hộ, 5.682 nhân khẩu, là một trong những thôn có dân số đông nhất huyện. Do đặc thù này nên người hoạt động không chuyên trách ở thôn này cũng nhiều việc, vất vả hơn so với những thôn khác. Ông Vũ Đình Toán, Phó Trưởng thôn kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Cậy chia sẻ: “Hiện nay, tổng các khoản phụ cấp kiêm nhiệm của tôi được 2.816.000 đồng/tháng. Làng rộng, dân đông nên triển khai nhiều việc khó khăn, phải vắt chân lên cổ. Việc nhiều hơn thôn khác song phụ cấp lại như nhau”.

Tại buổi làm việc của Thường trực HĐND tỉnh với UBND huyện Tứ Kỳ vào ngày 21.4, đồng chí Nguyễn Hữu Lăng, Chủ tịch UBND xã Minh Đức (Tứ Kỳ) đề nghị cần quan tâm hỗ trợ BHXH, BHYT cho đội ngũ người hoạt động không chuyên trách, người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, khu dân cư


Về cơ bản, từ khi thực hiện Nghị quyết 05, chế độ phụ cấp với người hoạt động không chuyên trách đã được nâng lên, nhất là với chức Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn, khu dân cư (KDC) và với người kiêm nhiệm nhiều chức danh. Tuy nhiên, nhiều người phản ánh dù chế độ đã được cải thiện song chưa tương xứng với công sức lao động.

Nghị quyết 05 quy định khoán quỹ phụ cấp để chi trả hằng tháng với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo phân loại đơn vị hành chính. Cấp xã loại 1 là 16 lần mức lương cơ sở, cấp xã loại 2 là 13,7 lần, cấp xã loại 3 là 11,4 lần mức lương cơ sở. Mức phụ cấp cao nhất của một chức danh ở cấp xã loại 1 hiện nay là 1,35 mức lương cơ sở (Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự), mức thấp nhất là 0,35 (Phó Trưởng Ban bảo vệ dân phố ở phường). Với cấp xã loại 3, mức phụ cấp cao nhất là 0,85 (Trưởng ban Thú y), mức thấp nhất là 0,35 (Phó Trưởng ban Bảo vệ dân phố ở phường). Đối với người hoạt động không chuyên trách ở các thôn, KDC thì mức phụ cấp cao nhất của một chức danh là 1,8 (Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn ở nơi có quy mô từ 350 hộ trở lên, thôn trọng điểm về an ninh trật tự) và mức thấp nhất là 0,8 (Trưởng ban công tác Mặt trận thôn, KDC có quy mô dưới 350 hộ). Mức bồi dưỡng với người tham gia trực tiếp công việc ở thôn, KDC còn thấp hơn nữa. Cụ thể, Phó Trưởng thôn, KDC và Thôn đội trưởng, Khu đội trưởng cùng hưởng mức bồi dưỡng 0,7 mức lương cơ sở; Công an viên (với thôn) nhận mức bồi dưỡng 1,0 mức lương cơ sở; Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố (với KDC) nhận mức bồi dưỡng 0,5 mức lương cơ sở.

Theo Nghị quyết 05, người hoạt động không chuyên trách được bố trí kiêm nhiệm thì hưởng 70% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm thứ nhất, 50% mức phụ cấp của chức danh kiêm nhiệm thứ hai. Nhiều ý kiến cho rằng dù kiêm nhiệm thêm các chức danh, mức phụ cấp, bồi dưỡng có tăng lên song vẫn còn thấp vì phải làm nhiều việc hơn. Nhiều ý kiến đề nghị khi kiêm nhiệm thêm chức danh thì được hưởng 100% mức phụ cấp, bồi dưỡng của chức danh đó.

Ở thôn có dân số đông, những người hoạt động không chuyên trách phải làm việc rất vất vả. Trong ảnh: Lãnh đạo thôn Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) nhắc nhở người dân buôn bán bảo đảm an toàn giao thông


Ít người muốn làm

Mức phụ cấp, bồi dưỡng hiện còn thấp nên có những trường hợp đang làm thì bỏ việc hoặc khi địa phương muốn tìm người để đảm đương thì rất khó khăn. Nhiều người từ chối không muốn đảm nhận vì họ làm công việc khác có thu nhập cao hơn. Theo ông Vũ Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Việt (Bình Giang), ở địa phương có việc gần hết nhiệm kỳ làm trưởng thôn thì một số đồng chí Trưởng thôn đồng thời là Bí thư Chi bộ xin nghỉ vì công việc quá vất vả. Tìm người hoạt động không chuyên trách ở thôn rất khó, những người trẻ thì không ai nhận.

Ông Nguyễn Viết Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Thành cho biết có xã trong huyện bầu trưởng thôn xong thì gia đình đến đề nghị không cho làm. Do đó, ông Tuấn đề nghị cần điều chỉnh mức phụ cấp cho tương xứng với mức độ, khối lượng công việc của người hoạt động không chuyên trách.

Theo tìm hiểu của phóng viên ở nhiều nơi trong tỉnh, các cán bộ cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách đều đề nghị tỉnh cần quan tâm nâng mức phụ cấp, bồi dưỡng cho đội ngũ này.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người hoạt động không chuyên trách, người tham gia trực tiếp công việc ở thôn, KDC. Hiện nay, đội ngũ này chưa được hỗ trợ đóng 2 loại bảo hiểm nêu trên (người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đã được tham gia BHYT, BHXH bắt buộc). Theo bà Lê Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Tứ Kỳ, việc quan tâm hỗ trợ đóng BHYT, BHXH cho những người hoạt động không chuyên trách, người tham gia trực tiếp công việc ở thôn, KDC sẽ giúp họ có thêm động lực trong công tác và gắn bó với công việc, nhất là với những người trẻ.

Tại các buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh với nhiều huyện, thành phố, trả lời ý kiến kiến nghị tăng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết khi tỉnh xây dựng Nghị quyết 05 thì căn cứ theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Chế độ chính sách hiện nay đã được tỉnh áp dụng mức tối đa theo Nghị định 34. Muốn tăng lên thì tỉnh cần đề xuất với Trung ương vì nghị quyết của HĐND tỉnh không được trái với Nghị định 34. Về đề nghị hỗ trợ kinh phí tham gia BHXH, BHYT cho người hoạt động không chuyên trách, người tham gia trực tiếp công việc ở thôn, KDC, ông Thành cho biết sẽ tiếp thu và báo cáo với tỉnh. Về mặt chế độ chính sách của Nhà nước hiện nay chưa có quy định hỗ trợ BHXH, BHYT cho đối tượng này nhưng nếu tỉnh có điều kiện cũng có thể xem xét hỗ trợ.

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Tổng kết thực tiễn sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 05 về người hoạt động không chuyên trách