Xây dựng Chính phủ điện tử. Bài 1: Làm cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn

08/10/2019 16:50

Chính phủ điện tử cần giải quyết 4 mối quan hệ: Quan hệ Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ với cán bộ, công chức.

Nâng cao chỉ số về Chính phủ điện tử với ba nhóm chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) lên 10 - 15 bậc vào năm 2020; đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, đây là những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra trong Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP ngay từ đầu năm 2019. Chín tháng đã qua, có thể nhìn thấy sự quyết liệt từ lãnh đạo Chính phủ cho đến các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.

Nhận thức xu thế, tầm quan trọng của việc triển khai Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành để thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hiệu quả, cải cách thủ tục hành chính thực chất hơn, cắt giảm nhanh hơn, tạo dư địa phát triển kinh tế đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, xây dựng Chính phủ điện tử luôn được nhắc đến như là một giải pháp quan trọng để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của cơ quan nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Từ đầu năm đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần họp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử. 


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng ký số văn bản điện tử ban hành Quyết định gửi các Bộ, Ban, ngành, địa phương qua trục liên thông văn bản quốc gia

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, quá trình chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, mục tiêu hướng tới là giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, làm cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn. Xây dựng Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, cải cách thủ tục hành chính đi trước, dẫn dắt, Chính phủ điện tử là phương tiện. Chính phủ điện tử cần giải quyết 4 mối quan hệ: Quan hệ Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp, Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ và Chính phủ với cán bộ, công chức. Trong đó, việc xử lý tốt các mối quan hệ bên trong Chính phủ là điều kiện nền tảng để giải quyết được các vấn đề trong quan hệ với người dân và doanh nghiệp.

Nhìn lại từ đầu năm đến nay cho thấy việc triển khai Chính phủ điện tử gắn với cải cách thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Tháng 3/2019, Chính phủ khai thông trục liên thông văn bản quốc gia, chấm dứt việc gửi nhận tài liệu, công văn giấy theo phương thức cũ. Tháng 6/2019, hệ thống họp trực tuyến E-cabinet chính thức vận hành, giúp giảm việc họp hành, dành thời gian cho các cơ quan thuộc khối chính quyền tập trung cho hoạt động điều hành… Theo đó, Chính phủ sẽ sớm tiến đến mô hình một Chính phủ phi giấy tờ. Song song với xu thế này, các địa phương đã triển khai mạnh mẽ các cải cách, đổi mới; đã có nhiều thành phố thông minh, những chính quyền gọn nhẹ, năng động dần hình thành.

Các địa phương đã bắt đầu triển khai hạ tầng, nền tảng chính quyền điện tử, bố trí vốn từ nguồn sự nghiệp công nghệ thông tin để triển khai, mở rộng, nâng cấp các hệ thống thông tin tập trung. Thành phố Hải Phòng mỗi năm bố trí khoảng 20 tỷ đồng mở rộng, nâng cấp các hệ thống thông tin tập trung. Tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2019 - 2020, mỗi năm bố trí khoảng 60 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để đầu tư hoàn thiện các hệ thống cốt lõi xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.

Theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thành việc kết nối, liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để triển khai gửi, nhận văn bản điện tử trên giữa các cơ quan hành chính nhà nước (từ ngày 12.3.2019 đến ngày 20.8.2019, đã có 86.293 văn bản gửi và 263.259 văn bản nhận qua Trục liên thông). 7/8 địa phương đã và đang triển khai nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh theo quy định. Đáng chú ý, hầu hết trong số 353 thủ tục trong Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương năm 2017 và 91 thủ tục trong Danh mục thực hiện trong các năm 2018 – 2019 đã được các địa phương triển khai cung cấp. Một số địa phương có số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khá cao như Hải Phòng, Phú Thọ.

Việc xây dựng chính quyền điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân được các địa phương chú trọng hơn. TP Hải Phòng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về an toàn thông tin; triển khai thực hiện các đề án, giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Nhiều địa phương thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao - Bộ Công an, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng - Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo mật, xác thực, giám sát và tư vấn, hỗ trợ về bảo đảm an toàn thông tin đối với các hệ thống công nghệ thông tin của địa phương.

Công tác cải cách, kiểm soát thủ tục hành chính của các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực, thể hiện qua việc cải thiện thứ bậc của các chỉ số, như chỉ số cải cách hành chính năm 2018, Hà Nội đứng thứ hai, Hải Phòng tiếp tục giữ vị trí tốp 5… Kết quả này ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có thể thấy, việc thành lập, kiện toàn và ban hành quy chế về tổ chức, hoạt động Bộ phận Một cửa các cấp được thực hiện theo quy định đã mang lại những kết quả tích cực trong nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các địa phương đã thực hiện việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội đã chủ động ban hành Quy định áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong cung ứng dịch vụ công tại các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng Chính phủ điện tử. Bài 1: Làm cho chính quyền năng động, hiệu quả hơn