Đề án “Xây dựng ao bơi hợp vệ sinh khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016 - 2020” đã và đang bắt đầu được nhiều địa phương triển khai thực hiện.
Trẻ em thôn Cao Xá, xã Thái Hòa (Bình Giang) thỏa thích vẫy vùng trong bể bơi vừa mới khánh thành
Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích thiết thực mà đề án này mang lại thì vẫn còn những khó khăn.
Đáp ứng nhu cầu người dânCách đây hơn chục ngày, thôn Cao Xá, xã Thái Hòa là địa phương đầu tiên của huyện Bình Giang khánh thành, đưa vào khai thác bể bơi rộng 300 m2, sâu 1 - 1,5 m. Đây là công trình hiện thực hóa chủ trương của tỉnh về xây dựng ao bơi hợp vệ sinh (ABHVS) giai đoạn 2016 - 2020. Do kêu gọi được nguồn lực xã hội hóa nên địa phương này đã quyết định đầu tư xây dựng luôn bể bơi thay vì chỉ làm ao bơi. Bể được xây bằng gạch chỉ, đáy đổ bê tông, lát gạch men ở đáy và bốn xung quanh tường, bên trên có mái che bằng tôn rộng 500m2. Tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng, huyện hỗ trợ 100 triệu đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Bể sử dụng nước máy và áp dụng công nghệ lọc nước tuần hoàn. Bình quân mỗi ngày bể bơi thôn Cao Xá đón 100 - 150 người trong xã đến tắm và tập bơi, chủ yếu là trẻ em.
Từ ngày bể bơi mở cửa, hầu như ngày nào bà Hà Thị Đông (56 tuổi) ở thôn Trâm Giữa cũng đưa 2 cháu nội đến đây tập bơi. “Thật vui vì quê tôi giờ đã có bể bơi như trên thành phố, trẻ nhỏ tha hồ vui chơi. Có bể bơi, người lớn cũng đỡ lo trẻ bị đuối nước trong dịp hè. Bể bơi trang bị áo phao, lại có 2 nhân viên làm nhiệm vụ giám sát, cứu hộ nên chúng tôi rất yên tâm”, bà Đông vui vẻ nói.
Xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã bố trí hồ nước rộng hơn 2.000 m2 để xây dựng ABHVS. Ông Nguyễn Văn Ngát, Chủ tịch UBND xã cho biết địa phương đang chuẩn bị bơm cạn, vét hết bùn, phủ bạt và trải một lớp cát dày ở đáy hồ. Nguồn nước của ao bơi sẽ được lấy từ sông Thái Bình. Kinh phí xây dựng dự kiến khoảng 600 triệu đồng. Người dân trong xã rất đồng tình và hào hứng khi xã sắp có ABHVS.
Năm 2016, Hải Dương dự kiến xây dựng 60 ABHVS. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên tạm thời tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng 20 ao bơi. Với mỗi ao bơi, tỉnh hỗ trợ 250 triệu đồng, sau hoàn thành hỗ trợ tiếp 50 triệu đồng mua sắm thiết bị, dụng cụ. UBND các huyện hỗ trợ từ 100 - 200 triệu đồng, còn lại là kinh phí của xã. Việc triển khai Đề án xây dựng ABHVS trong bối cảnh các ao, hồ ở khu vực nông thôn ngày càng thu hẹp, nguồn nước bị ô nhiễm, tỷ lệ trẻ em đuối nước vẫn còn cao là rất cần thiết, đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân.
Còn nhiều khó khănTuy nhiên, trong xây dựng ABHVS cũng còn không ít ý kiến băn khoăn xoay quanh việc đầu tư, quản lý, khai thác ao bơi. Ước tính tổng kinh phí tỉnh và huyện hỗ trợ cho việc xây dựng, cải tạo mỗi ABHVS khoảng 400 - 500 triệu đồng; xã đầu tư thêm từ 100 - 200 triệu đồng là có thể xây dựng, cải tạo một ABHVS đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn này ở một số xã không dễ dàng do ngân sách hạn hẹp, hoặc còn phải ưu tiên cho xây dựng các hạng mục, công trình khác cấp thiết hơn, hoặc trên địa bàn ít hoặc không có “Mạnh Thường Quân” để kêu gọi xã hội hóa.
Xã Long Xuyên (Bình Giang) dự kiến sẽ xây dựng ao bơi hợp vệ sinh tại thôn Cậy rộng 360 m2 vào tháng 9 tới
Nhiều xã có ao, hồ nhưng không thể làm ABHVS do nước bị ô nhiễm và không chủ động được nguồn nước đầu vào để duy trì ao bơi. Do vậy, việc xây dựng luôn bể bơi thay vì ABHVS đã được chính quyền nhiều nơi tính đến. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài ngân sách Nhà nước hỗ trợ chỉ còn cách mời gọi doanh nghiệp đầu tư nhưng hiện rất ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực bể bơi. Kể cả trong trường hợp đã mời được nhà đầu tư cũng đặt ra không ít trăn trở. Một số ý kiến cho rằng khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể bơi thì phải bán vé. Ở nông thôn, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình còn khó khăn, nếu thu với giá vé thấp doanh nghiệp sẽ lỗ vốn, còn thu giá cao thì không có nhiều người cho con đến bơi.
Với mỗi địa phương sau khi hoàn thành xây dựng ABHVS sẽ được tỉnh hỗ trợ thêm 50 triệu đồng mua các trang thiết bị, dụng cụ như áo phao, phao bơi và hỗ trợ một phần kinh phí cho hướng dẫn viên dạy bơi. Nhưng về lâu dài các địa phương sẽ còn nhiều việc phải tính đến. Ông Nguyễn Văn Ngát, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho rằng khi ABHVS đi vào hoạt động phải có bộ phận làm công tác hướng dẫn bơi, vệ sinh ao bơi, cứu hộ. Nếu không bố trí được nguồn kinh phí để “nuôi” lực lượng này thì trẻ em chỉ có bơi tự do, mà điều này không hề an toàn. Nước sông, ao, hồ ngày càng ô nhiễm cũng là thách thức lớn đối với việc duy trì các ABHVS ở nông thôn...
ĐỖ TIẾN