Muốn thu hút lao động ở lại làm nghề trước hết phải quan tâm tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận...
Mỗi sản phẩm làng nghề cần được hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu
Xây dựng mỗi xã một nghề và không để xã trắng làng nghề là mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề tiểu thủ công nghiệp của Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh cần sớm lựa chọn mô hình phát triển phù hợp.
Kinh nghiệm từ Quảng NinhMô hình “Mỗi làng một sản phẩm” (OCOP) khởi xướng tại Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước đã giúp nhiều địa phương của nước này phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Mô hình này đã được áp dụng thành công tại tỉnh Quảng Ninh. Tỉnh ta cũng đang trong quá trình nghiên cứu để áp dụng vào phát triển làng nghề.
Để phát triển làng nghề theo mô hình trên, Quảng Ninh đã xây dựng đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2013-2016”. Chỉ sau 3 năm áp dụng, Quảng Ninh đã thu được những kết quả tích cực. Nhiều làng nghề đã được hồi sinh. Người dân đã thực sự được hưởng lợi từ nghề. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết: “Hải Dương và Quảng Ninh có nhiều nét tương đồng trong phát triển làng nghề. Do đó, mô hình OCOP hoàn toàn có thể áp dụng đối với Hải Dương. Tuy nhiên, để thành công thì Hải Dương cần thực hiện linh hoạt các chính sách hỗ trợ cũng như lựa chọn nghề thích hợp để phát triển ở từng địa phương”.
Trong quá trình triển khai mô hình OCOP, Quảng Ninh đã giao cho các địa phương đánh giá lại hiện trạng các làng nghề và nghiên cứu mô hình mới để không máy móc, rập khuôn khi thực hiện. Sau một thời gian áp dụng đều được đánh giá và điều chỉnh phù hợp với thực tế của từng địa phương. Tỉnh xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ riêng cho các làng nghề. Quan trọng nhất để Quảng Ninh thực hiện thành công mô hình này là chính quyền mỗi địa phương đã trở thành điểm tựa, tiếp lửa cũng như đồng hành cùng các cơ sở sản xuất trong làng nghề nghiên cứu đổi mới mẫu mã sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ... Sở Công thương cũng có những chương trình riêng để hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Dương cho rằng chương trình OCOP không chỉ phát triển sản xuất mà còn giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Để phát triển làng nghề theo mô hình này, Hải Dương cần xây dựng một bộ sản phẩm hoàn chỉnh, đặc trưng khác biệt ở mỗi làng nghề. Phải làm sao để mỗi người dân đều tham gia một cách tự nguyện vào việc xây dựng và phát triển làng nghề. Chính quyền địa phương phải tích cực vào cuộc, trở thành điểm tựa cho việc xây dựng phong trào mỗi làng một sản phẩm. Mỗi địa phương sẽ lựa chọn phát triển một nghề cụ thể, tạo ra sản phẩm đại diện cho địa phương mình. Khi đã xây dựng thành công được mô hình mỗi làng một sản phẩm, các HTX dịch vụ và doanh nghiệp trong làng nghề sẽ tham gia sản xuất và hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Các chương trình xúc tiến, quảng bá thương mại cho sản phẩm làng nghề cần được tổ chức thường xuyên và bài bản hơn. Các địa phương trong tỉnh cần quy hoạch và sớm đưa các điểm sản xuất tiểu thủ công nghiệp vào hoạt động. Bởi đây cũng là một điều kiện quan trọng giúp các làng nghề khắc phục được những hạn chế hiện nay và hướng đến phát triển chuyên nghiệp.
Giữ lửa nghềLàng nghề có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội ở nông thôn; đồng thời, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Do đó, việc phát triển làng nghề rất quan trọng, nhất là khi các địa phương trong tỉnh đang dồn sức xây dựng nông thôn mới. Để giải bài toán ít nhất mỗi xã có một làng nghề phát triển hiệu quả, trước hết nguồn nhân lực được xác định là yếu tố then chốt. Họ chính là những người giữ lửa cho các làng nghề.
Theo đánh giá của Sở Công thương, hiện nguồn lao động tham gia sản xuất ở các làng nghề ngày càng giảm sút. Nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh không có thợ tạo mẫu và thợ có tay nghề tinh xảo để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì vậy, sản phẩm của các làng nghề truyền thống chưa đa dạng về mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế. Nguồn nhân lực hạn chế sẽ kéo theo sự thụt lùi đáng kể của làng nghề.
Theo ông Vũ Văn Điệp, nghệ nhân mộc mỹ nghệ ở làng nghề Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng), muốn thu hút lao động ở lại làm nghề trước hết phải quan tâm tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận, từ đó nâng cao thu nhập cho người lao động. Khi người dân sống được với nghề thì tự nhiên sẽ gắn bó và phát triển nghề.
Hiện nay, phần lớn người lao động ở các làng nghề được truyền nghề từ các nghệ nhân và thợ giỏi, đời trước truyền cho đời sau. Lao động của làng nghề được tham gia các lớp đào tạo bài bản không nhiều. Theo khảo sát của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện có tới 80% số lao động làng nghề được đào tạo qua truyền nghề. Phương pháp truyền nghề chưa đủ để lao động vừa có thể sáng tạo, thay đổi, tiếp thu cái mới lại vừa làm ra những sản phẩm mang bản sắc riêng của từng làng nghề, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Theo ông Nguyễn Thượng Sách, chủ cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách ở xã Văn Tố (Tứ Kỳ) thì cần kết hợp hai yếu tố truyền nghề và đào tạo nghề bài bản cho lao động. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ lao động giỏi nghề, từ đó tạo ra những sản phẩm có sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng.
HẢI MINH
Theo Sở Công thương, đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có từ 100-110 làng nghề tiểu thủ công nghiệp được công nhận danh hiệu làng nghề. Đến năm 2025, có từ 130-140 làng nghề hoạt động và được cấp bằng công nhận. 70-80% số làng còn lại đều có nghề tiểu thủ công nghiệp mới được du nhập…
|