Đã đến lúc các làng nghề của Hải Dương cần được cơ cấu lại, loại bỏ những nghề không còn phù hợp để dồn lực phát triển các làng nghề có tiềm năng và du nhập nghề mới.
Nghề làm áo mưa mới du nhập vào một số thôn của xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) và đang phát triển tốt
Sàng lọc Làng gốm Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) nay không còn mấy người giữ nghề. Nghề làm gốm đã không còn đem lại cho người dân nơi đây nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ trong làng đã chuyển sang làm những nghề khác. Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Long Xuyên cho rằng đó là sự sàng lọc tất yếu. Bởi sản phẩm gốm Cậy đã không còn đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Không chỉ gốm Cậy, nhiều làng nghề trong tỉnh cũng đang chịu những tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường. Để tồn tại, làng nghề phải thay đổi hoặc chấp nhận xóa nghề cũ, du nhập nghề mới. Ông Nguyễn Văn Phong, Trưởng Phòng Kinh tế TP Hải Dương khẳng định đó là quy luật tất yếu. Ông Phong cho biết mặc dù hiện nay cả 3 làng nghề đều phát triển tốt nhưng thành phố lại không khuyến khích mở rộng và phát triển các làng nghề như mộc Đức Minh (phường Thanh Bình) và mộc Nguyễn Xá (phường Thạch Khôi). Bởi trong tương lai nơi đây phù hợp để phát triển đô thị và dịch vụ thương mại hơn. Riêng làng nghề bánh đa Lộ Cương (phường Tứ Minh) vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, ông Phong cho rằng để tồn tại làng nghề bánh đa Lộ Cương cần làm mới mình. Thay vì sản xuất manh mún, thủ công, gây ô nhiễm môi trường, làng nghề cần chuyển sang quy trình sản xuất khép kín, hiện đại và quy củ hơn.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 66 làng nghề thì có tới 14 làng nghề đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do sản phẩm của làng nghề không còn phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất thiếu vốn, chậm áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng nên khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu hoặc sản xuất hàng loạt bằng máy móc hiện đại. Ông Trịnh Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định đã đến lúc Hải Dương cần rà soát, đánh giá lại hoạt động của các làng nghề để từ đó loại bỏ những nghề không phù hợp hoặc không còn cơ hội phát triển. Cần loại bỏ tâm lý đang khá phổ biến ở nhiều địa phương là thích sở hữu nhiều làng nghề, nhưng nghề đó lại phát triển èo uột.
Du nhập có chọn lọcNhờ năng động, nhạy bén, không ít địa phương trong tỉnh đã du nhập thêm những nghề mới có khả năng phát triển tốt. Ông Mai Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) lấy ví dụ: Sau hơn 10 năm được công nhận danh hiệu làng nghề, nghề mây giang xiên ở thôn Đào Lâm đến nay khó có thể phát triển thêm được nữa. Hiện nay, người dân cũng đã du nhập rất nhiều nghề mới có khả năng phát triển tốt hơn như: may áo mưa, làm diều hay sản xuất quần áo. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra một nghề tốt nhất để phát triển, làm sao người dân có thể sống được với nghề và gắn bó lâu dài với nghề mới”, ông Hà nói.
Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân du nhập, phát triển nghề mới. Tuy nhiên, nghề mới được lựa chọn cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng để khai thác được lợi thế của vùng và đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài. Những làng nghề đang thoi thóp, phát triển chậm cần được thay thế bằng một nghề khác hiệu quả hơn. Các địa phương cần nghiên cứu, phát triển những ngành nghề mới dựa trên cơ sở có thể khai thác được lợi thế của địa phương mình, có đầu ra ổn định và sản phẩm có đem lại thu nhập cao cho người làm nghề. Loại bỏ những nghề không phù hợp, tích cực du nhập nghề mới có hiệu quả lâu dài cũng là mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch phát triển hệ thống làng nghề, tiểu thủ công nghiệp Hải Dương đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.
Ông Mạc Thế Phương, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết thời gian tới, tỉnh sẽ lựa chọn phát triển 2 nhóm làng nghề. Một là nhóm làng nghề có khả năng giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn. Nhóm còn lại tạo ra các sản phẩm đặc thù, có giá trị gia tăng cao. Các làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, sản phẩm công nghiệp phụ trợ sẽ được khuyến khích phát triển. Chẳng hạn như nghề chế tạo chi tiết nhựa, bảng mạch điện tử; sản xuất phụ liệu ngành may, giầy; sản xuất các sản phẩm cơ khí, chế biến nông sản thực phẩm…
Quy hoạch và sắp xếp lại là giải pháp sống còn cho các làng nghề trước cánh cửa hội nhập. Sản phẩm của các làng nghề không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân trong nước mà còn cạnh tranh tốt với hàng hóa nhập khẩu.
HẢI MINH
Các làng nghề trong tỉnh được phân bổ rộng khắp trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, huyện Tứ Kỳ có nhiều làng nghề nhất, với 11 làng nghề được công nhận (chiếm 18%) và các huyện Ninh Giang, Kim Thành, Thanh Hà có ít làng nghề nhất, mỗi nơi có 2 làng nghề (chiếm 3,3%).
|