Thời gian gần đây, bằng sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng, sông Bạch Đằng đã xanh mát trở lại.
Sông Bạch Đằng giờ đây không còn ô nhiễm như trước
Là điểm nhấn của TP Hải Dương nhưng trước đây sông Bạch Đằng từng là nỗi ám ảnh của người dân vì tình trạng ô nhiễm nặng nề, mùi nước sông mùa nắng nóng thường bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Thời gian gần đây, bằng sự nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng, sông Bạch Đằng đã xanh mát trở lại.
"Điểm đen" ô nhiễm
Sông Sặt đoạn từ Nhà Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh đến cầu Chương Dương nhiều năm qua được chọn là nơi biểu diễn những tiết mục nghệ thuật vào mỗi dịp lễ lớn của Hải Dương. Là khúc sông chảy dọc tuyến đường Bạch Đằng nên người dân vẫn quen gọi là sông Bạch Đằng. Dưới tác động của đô thị hóa, con sông xanh mát một thuở đã dần trở thành điểm nhức nhối về ô nhiễm môi trường của thành phố. Nước sông đục, sậm màu, mặt sông trôi nổi rác và lá cây. Lòng sông nông vì bùn, chất thải sinh hoạt. Cả đoạn sông luôn bốc lên một mùi hôi thối. Nhiều thời điểm, nhất là những ngày nắng nóng kết hợp nguồn nước ô nhiễm khiến cá chết trắng ven bờ sông càng làm bầu không khí ven sông trở nên ngột ngạt, khó chịu.
Là người sống bên bờ sông Bạch Đằng đã hơn 20 năm, ông Nguyễn Minh Sinh (73 tuổi) ở số nhà 23A Chương Dương cho biết: “Dòng nước đoạn sông này ngày trước rất ô nhiễm. Mặt sông ngập rác, túi nilon và cá chết. Nhiều người đi đường thiếu ý thức thấy vậy nên cũng xả rác bừa bãi xuống sông. Ghế đá hai bên đường ven sông chẳng mấy khi có người ngồi vì mùi hôi thối bốc lên”.
Không chỉ ô nhiễm vì rác thải, lòng sông Bạch Đằng cũng từng phải gánh lượng lớn nước thải sinh hoạt từ các hộ dân xung quanh xả ra. Bùn và chất thải sinh hoạt tích tụ trong thời gian dài làm cho hệ thống tiêu thoát nước quá tải. Ông Nguyễn Sỹ Hùng, Trưởng khu dân cư số 9, phường Trần Phú kể: “Trước đây, sông Bạch Đằng ô nhiễm, mùi hôi tanh bốc lên, xộc vào nhà làm cho bà con sống xung quanh như chúng tôi không thể chịu được. Mỗi mùa mưa, nước sông Bạch Đằng chảy ngược vào nhà qua hệ thống thoát nước thải sinh hoạt từ các hộ dân. Nước bẩn và mùi hôi thối ám trong nhà mấy ngày không hết”.
Hồi sinh
Trước thực trạng sông Bạch Đằng ô nhiễm, ảnh hưởng tới cảnh quan đô thị và cuộc sống của người dân, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương đã thực hiện dự án cải tạo để vực dậy dòng sông "chết". Ông Nguyễn Đức Sáu, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương cho biết: “Sông Bạch Đằng là một trong các địa điểm thuộc dự án cải tạo môi trường, khắc phục tình trạng úng ngập cho 6 phường trung tâm TP Hải Dương. Công ty đã triển khai cải tạo hệ thống cống thoát nước cũ từ thời Pháp, thực hiện thu gom nước thải sinh hoạt, xây kè đá và nạo vét lòng sông nhằm tăng thể tích điều hòa nước”.
Đến nay, tình trạng nguồn nước ô nhiễm tại sông Bạch Đằng đã chấm dứt, cá và các loài thủy sinh có thể sinh sống dưới lòng sông. Ngoài ra, hàng cây xanh hai bên bờ được cắt tỉa và trồng mới càng tô thêm nét đẹp mỹ quan cho khu vực trung tâm thành phố.
Giờ đây, ở ven sông Bạch Đằng, người ngồi ghế đá hòa mình vào làn gió mát dưới những tán cây xanh, người thì đi bộ dọc hai bên bờ sông là những hình ảnh minh chứng rõ ràng nhất cho một sông Bạch Đằng xanh mát, trở thành "lá phổi" mới của thành phố. Anh Nguyễn Đức Tuyền, ở số nhà 103 Bạch Đằng nói: “Chúng tôi rất phấn khởi khi sông Bạch Đằng nay đã mang diện mạo mới, trong lành và xanh mát”.
Hiện nay, Quảng trường Thống Nhất và vỉa hè ven sông Bạch Đằng là điểm vui chơi, thư giãn lý tưởng của người dân. Vì thế mọi người cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, giúp dòng sông mãi trong lành, tươi mát.
HÀ KIÊN